A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển du lịch Thái Bình: Vẫn còn lúng túng

VHO- Ngày 30.8, tại thành phố Thái Bình, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VHTTDL Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình năm 2019” nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, đại diện các địa phương về sản phẩm du lịch và định hướng phát triển du lịch Thái Bình thời gian tới.

Nhiều giải pháp thiết thực, khả thi được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Tham dự Hội thảo có Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu và hơn 60 doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch, phóng viên báo chí tham gia đoàn khảo sát “Sản phẩm du lịch các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng phục vụ Năm du lịch 2020”; đại diện các địa phương trực thuộc tỉnh, Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh lân cận.

Theo Sở VHTTDL Thái Bình, 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến Thái Bình chỉ đạt trên 507.000 lượt người, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó phục vụ hơn 4.200 lượt khách nội địa; tổng doanh thu du lịch ước đạt 209 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2019, Thái Bình sẽ đón hơn 800.000 lượt khách du lịch, tăng trưởng bình quân đạt 13,5%, đạt được các chỉ tiêu đề ra tại Quy hoạch phát triển du lịch Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đoàn khảo sát đã tới nhiều điểm du lịch mới của Thái Bình

Tuy nhiên, nếu so với Ninh Bình, một tỉnh gần Thái Bình, cùng nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình còn phát triển chậm. Cả tỉnh hiện nay có 311 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 phòng và mới chỉ có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao là White Palace. Trong khi đó, dự kiến năm 2019, dự kiến Ninh Bình thu hút 7,7 triệu khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có tới 3,4 triệu khách lưu trú.

Dù có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch nhưng đáng tiếc sự phát triển du lịch những năm qua chưa đạt như mong muốn. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Bình thừa nhận: “Hiện nay Thái Bình thiếu hệ thống hạ tầng thuận lợi, chưa có chiến lược phát triển bài bản; các lãnh đạo và người dân đều không tự tin rằng mình đang có những tiềm năng phát triển du lịch. Du lịch Thái Bình vẫn như một nàng công chúa say ngủ mà chưa chàng hoàng tử nào tới đánh thức”.

Thái Bình thiếu hạ tầng đồng bộ, du lịch phát triển manh mún, tự phát

Có thể thấy, dù có nhiều tiềm năng nhưng Thái Bình còn lúng túng trong việc định hướng chiến lược phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến. Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong phát biểu tại Hội thảo đã thể hiện sự cầu thị của Thái Bình để phát triển du lịch một cách bài bản. Mong nhận được những ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch để làm rõ những hạn chế hiện nay của Thái Bình và các giải pháp thiết thực, khả thi để thúc đẩy du lịch phát triển.

Ông Hà Văn Siêu cho rằng việc Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cùng rất nhiều lãnh đạo HĐND, lãnh đạo UBND và lãnh đạo đầu ngành của tỉnh Thái Bình tham dự Hội thảo này cho thấy tỉnh Thái Bình rất quan tâm, mong muốn phát triển du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Thái Bình không nhiều, chưa đủ sức hấp dẫn và khó thu hút được khách. Ông Hà Văn Siêu cũng thể hiện sự tin tưởng, khi có sự quan tâm của lãnh đạo cao nhất của tỉnh cùng với sự đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, du lịch của tỉnh Thái Bình sẽ bứt phá trong thời gian tới.

Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm làng nghề

Nửa đầu năm 2019, Thái Bình đã triển khai nhiều dự án đầu tư về du lịch: Đầu tư hạ tầng giao thông điểm du lịch Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần; Phát triển khu di tích lịch sử- văn hóa chùa Keo; Đầu tư khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển Cồn Đen, công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng tại nhà vườn Bách Thuận; xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển bảo tàng Thái Bình, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các trục đường quốc lộ tiếp cận khu, điểm du lịch trên quốc lộ 10, 39 và 27B.

Thời gian tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục kêu gọi đầu tư triển khai trong thời gian tới các dự án phát triển khu du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với văn minh lúa nước. Phát triển tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề (chạm bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, Làng Khuốc, thêu Minh Lãng, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới, đúc đồng An Lộng, thảm len Đại Đồng), Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí; phát triển nguồn nhân lực…

Trong đó đáng chú ý là Dự án điều chỉnh quy hoạch và xây dựng Khu du lịch sinh thái Cồn Vành (Tiền Hải) của công ty tập đoàn Phú Thành; tập đoàn Sun Group đề xuất nghiên cứu đầu tư khu đô thị thông minh 900ha tại thành phố Thái Bình; xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị nhà phố thương mại ven sông…

Đại diện cho một doanh nghiệp đang làm du lịch ở Thái Bình, ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phú cho biết: “15 năm trăn trở với du lịch Thái Bình, bỏ 860 tỷ đồng để xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Đen, tạo công ăn việc làm cho 1.000 lao động nuôi trồng, chế biến, sản xuất thủy hải sản, kinh doanh du lịch. Dù gặp nhiều thất bại nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ làm du lịch ở mảnh đất quê hương. Chỉ có điều, chừng ấy năm làm du lịch ở Thái Bình nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp nhiều lãnh đạo tỉnh thế này và cũng là lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh nghe chúng tôi giãi bày. Tôi tin rằng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, sẽ có làn gió mới tới Thái Bình để phát triển du lịch”.

Các đại biểu tại Hội thảo đã đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch Thái Bình, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó, tỉnh cần nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư vào hệ thống hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có kỹ năng, chuyên môn về du lịch; đẩy mạnh công nghệ thông tin cho công tác quảng bá du lịch. Và quan trọng nhất, Thái Bình cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ, lựa chọn một số sản phẩm du lịch chủ đạo để tập trung phát triển như sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, đặc biệt là với Hà Nội trên cơ sở hợp tác các bên cùng có lợi, trong đó có những nội dung như kết nối tour, tuyến du lịch, liên kết trong công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực.

THÚY HÀ; ảnh: BÙI TƯỞNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...