A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam

VHO- Ngày 21.12, Hội thảo phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo do Bộ VHTTDL phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức với sự hỗ trợ của Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội đồng Anh đã diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì trực tiếp tại Hội thảo

Đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển

Hội thảo do bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) và bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hoá, đại diện chính quyền các địa phương, các nghệ sĩ sáng tạo ở trong nước và quốc tế.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO do Bộ VHTTDL được Chính phủ giao chủ trì thực hiện.

Bà Nguyễn Phương Hoà cho biết: “Theo Kế hoạch, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo vì sự phát triển bền vững của một số thành phố của Việt Nam như: TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu. Từ đó đánh giá tổng hợp tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) điều hành Hội thảo trực tuyến

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là động lực, yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững. UCCN xét yếu tố sáng tạo của các thành phố trên các lĩnh vực: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc. Hiện nay, đã có 246 thành phố tham gia Mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành Công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.

Khi tham gia Mạng lưới này, các thành phố cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội- nghề nghiệp nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.

“Không chỉ là thương hiệu/ danh hiệu, mà điều quan trọng là khi tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, các thành phố đó đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khoá của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai”, bà Nguyễn Phương Hoà khẳng định.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các thành phố của Việt Nam và nước ngoài đã tham gia Hội thảo

Hiện nay, một số thành phố, đô thị ở Việt Nam như: TP.HCM, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, đô thị cổ Hội An, thành phố Hạ Long, thành phố Vũng Tàu, thành phố Đà Lạt có nhiều tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào Mạng lưới theo các tiêu chí cơ bản như: xác định sáng tạo là yếu tố có tính chất chiến lược trong quá trình phát triển bền vững của thành phố ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường; đưa văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa vào các kế hoạch, chiến lược phát triển đô thị, trong đó tạo điều kiện cho quá trình sáng tạo, sản xuất, phân phối và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa; phát triển các trung tâm sáng tạo và đổi mới; tạo điều kiện hưởng thụ các sản phẩm văn hóa cho người dân đô thị; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, tham gia tiến trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững.

Do vậy việc xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO” đòi hỏi quá trình nghiên cứu tiền khả thi và tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án.

Tại Đông Nam Á hiện nay có hơn 10 thành phố sáng tạo, chủ yếu trong lĩnh vực thủ công nghiệp và thiết kế. Tháng 10.2019, Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO thể hiện rõ ràng nỗ lực và quyết tâm của Hà Nội trong việc triển khai kịp thời và hiệu quả chủ trương, chính sách nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sáng tạo, biểu đạt đa dạng của văn hóa trong phát triển bền vững của địa phương. Đồng thời, tạo một sinh lực mới để thành phố phát triển, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng sáng tạo; tăng đáng kể mức đầu tư cho văn hoá; đưa Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển công nghiệp văn hoá của đất nước, là hình mẫu cho các thành phố khác phát triển…

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Giải phóng sức sáng tạo và khai phá tiềm năng của các thành phố

Với mong muốn khám phá tiềm năng của chính chúng ta; phát huy thế mạnh của từng thành phố; định vị lại vị trí của văn hoá, sáng tạo trong phát triển; nâng cao nhận thức của lãnh đạo và khẳng định vị thế ngành Văn hoá, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực để góp ý, gợi mở cho phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo ở Việt Nam.

Theo chia sẻ của các diễn giả quốc tế, các thành phố sáng tạo Singapore và Chiang Mai (Thái Lan) được đánh giá thực hành tốt với sự sáng tạo vì “tăng trưởng bển vững và khởi nghiệp”. Không chỉ giúp xây dựng thương hiệu thành phố, các thành phố sáng tạo UNESCO là một nền tảng quan trọng để truyền cảm hứng cho các tầm nhìn chiến lược mới và kích thích môi trường thuận lợi cho các thành phố trong tương lai.

Singapore là một thành phố quốc đảo hiện đại với diện tích 700 km2, nơi thiết kế đóng vai trò quan trọng khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Là một quốc gia tương đối trẻ với khát vọng to lớn nhưng do đất đai và tài nguyên thiên nhiên hạn chế, các khía cạnh quản trị trọng yếu từ: nhà ở đến giáo dục, y tế, quản lý nước và giao thông… phải được thiết kế để tạo ra một tương lai thịnh vượng và bền vững cho người dân. Singapore đã hoàn thành một kế hoạch tổng thể hướng tới việc duy trì lĩnh vực thiết kế. Sáng kiến này là một chiến lược ba mũi nhọn. Trong sáu năm, thành phố này đã nâng cao năng lực địa phương của các chuyên gia thiết kế để cạnh tranh toàn cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng thiết kế như một động lực tăng trưởng bền vững về kinh tế và xã hội của thành phố và phát triển đổi mới, nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành ở cấp độ quốc tế.

Còn ở Chiang Mai, thành phố đậm đà bản sắc văn hóa với bề dày lịch sử hơn 720 năm, đặc biệt là lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Sức hấp dẫn đặc biệt và bản sắc độc đáo của Chiang Mai đã truyền cảm hứng cho nhiều nhóm người khác nhau tìm kiếm cơ hội để phát triển hơn nữa và sử dụng các khía cạnh giá trị nhất của vốn văn hóa thành phố, nhằm tạo ra thu nhập và phục hồi kinh tế của cộng đồng địa phương thông qua sáng tạo, đồng thời thúc đẩy bảo tồn bền vững. Sự khởi xướng của “Dự án Sáng kiến Thành phố Sáng tạo Chiang Mai cho Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO - Thủ công và nghệ thuật dân gian” của Tổ chức hành chính tỉnh Chiang Mai, những người thợ thủ công từ nhiều bối cảnh khác nhau, nhiều thế hệ và các nhóm dân tộc khác nhau, với những bản sắc nghệ thuật và sáng tạo độc đáo đã giúp thành phố đạt được những dấu mốc quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Thậm chí như một động lực thúc đẩy và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sáng tạo của Chiang Mai. ‘

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

Một tầm nhìn chuyển đổi cho Hà Nội như một Thành phố thiết kế sáng tạo

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Hà Nội định vị lại trong bối cảnh đất nước và quốc tế mới, hướng tới Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO và hình thành tầm nhìn chiến lược mới để truyền cảm hứng cho chương phát triển mới của mình. Điều cấp thiết và kịp thời là chúng ta cần khuyến khích, tạo điều kiện và đưa lực lượng những người trẻ tài năng, cùng với văn hóa và di sản làm nguồn tăng trưởng. Bảo tồn di sản của chúng ta bằng cách mang đến cho nó những cơ hội mới để trở thành một phần của môi trường sống đương đại, truyền cảm hứng cho những ý tưởng và sáng tạo mới và trong một số trường hợp nhất định, giúp xác định lại mô hình du lịch và tăng trưởng bền vững, sẽ là một cách tiếp cận vững chắc để bảo tồn di sản và đặt nền văn hóa và di sản ở trung tâm của sự phát triển bền vững.

Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã làm rõ thế mạnh, tiềm năng và sự sẵn sàng của các thành phố tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO

Cụ thể, Thành phố hướng tới dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội; tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030…Xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.

Phát huy vai trò thành phố sáng tạo của Hà Nội trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; Triển khai đầy đủ các nội hàm của thành phố sáng tạo và xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc các thành phố của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cần được tính toán, cân nhắc dựa trên tiềm năng của các thành phố và chọn những lĩnh vực phù hợp. Việc này cần được thể hiện bằng ý chí chính trị, khoa học và sự đồng thuận của cộng đồng vì khi tham gia vào mạng lưới này, có thể sẽ thay đổi tương lai, bộ mặt của thành phố, thổi “luồng gió sáng tạo” vào từng “tế bào” của thành phố.

THUÝ HÀ, ảnh: VŨ MỪNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...