A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển sản phẩm du lịch đêm là một cách giữ chân những “vị khách quý”

VHO- Ngày 16.4 tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các đại diện Sở VHTTDL, doanh nghiệp du lịch từ các địa phương: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam; Thừa Thiên Huế...

Mục tiêu nâng cao giá trị phục vụ du khách

Hội thảo lần này nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp của ngành du lịch các địa phương để  hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2021. Đề án hướng đến mục tiêu năm 2025 sẽ hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm đô thị lớn đông khách du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2030 hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc. Khuyến khích đầu tư, xây dựng tổ hợp giải trí đêm riêng biệt ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam

Trong các hoạt động phát triền du lịch ban đêm đặc biệt đề cao xu hướng xây dựng các sản phẩm văn hóa truyền thống, hiện đại giàu tính nghệ thuật, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo phục vụ khách du lịch ban đêm; phát triển ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền; phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, các trung tâm mua sắm hiện đại; khuyến khích các điểm tham quan, di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng xây dựng các chương trình tham quan du lịch đặc sắc, hấp dẫn, phù hợp với thời gian trải nghiệm ban đêm của du khách và mở cửa phục vụ du khách ban đêm, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp du lịch…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đêm đa dạng và có chất lượng, thời gian qua, ngành du lịch đã phát động nhiều chiến lược kích cầu. “Mục tiêu của chúng ta là nâng cao giá trị dịch vụ phục vụ du khách, số lượng khách có thể không tăng nhưng chất lượng sản phẩm phải nâng cao, khách kéo dài thời gian lưu trú. Nếu hoạt động du lịch đêm chỉ dành cho dân sinh bản địa thì không nói làm gì, nhưng để cho “những vị khách quý” từ phương xa tới Việt Nam thì phải đủ sức hấp dẫn khiến du khách ở lại lâu hơn”, ông Siêu nói.

Khai thác thế mạnh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh

Theo đánh giá của Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm như tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ đông, sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao. Cho thấy, việc mở cửa cho kinh tế về đêm được đánh giá phù hợp với xu hướng quốc tế và là “mỏ vàng” của ngành du lịch, không những giúp “giữ chân” du khách và quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Không gian nghệ thuật tại Đà Nẵng hấp dẫn du khách tới chụp hình

Tại Hội thảo, ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, ngành du lịch thành phố đã và đang tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đêm như một loại hình du lịch mới, đặc sắc để thu hút khách. Thành phố tổ chức thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang By Night, thí điểm các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại bãi biển Mỹ An. Trong tương lai còn nhiều các hoạt động, dịch vụ đặc sắc đang được khai thác có thể kể đến như: Khu vui chơi giải trí quy mô lớn, sân golf, Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài; hệ thống rạp chiếu phim, show diễn nghệ thuật; các khu phố đêm, phố đi bộ, chợ đêm, phố chuyên doanh mua sắm, ẩm thực; các quán bar/vũ trường, tụ điểm ca nhạc, nhà hàng, quán ăn, cơ sở chăm sóc sức khỏe; phát triển các trung tâm thương mại; hệ thống cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24; các tour du lịch đường thủy nội địa thưởng ngoạn sông Hàn ban đêm, tour xích lô thưởng ngoạn trung tâm thành phố, đi bộ ngắm cảnh 02 bên bờ sông Hàn, dọc bờ biển Đà Nẵng và các điểm nhấn kiến trúc để tham quan check-in buổi tối: Cầu Rồng, Cầu Nguyễn Văn Trỗi, SunWheel (Vòng quay mặt trời), Cầu Tình yêu... 

TP Hồ Chí Minh rất thành công với mô hình phát triển du lịch đêm ở phố đi bộ Bùi Viện, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Du lịch đêm ở đây đã có bước phát triển nhanh, mạnh với hơn 350 cơ sở kinh doanh với các hoạt động chủ yếu như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú… Vào các buổi tối cuối tuần, phố đi bộ Bùi Viện có hơn 2.000 lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm và sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch. Theo hoạt động hiệu quả của phố đi bộ Bùi Viện, nhiều khu phố đi bộ, phố ẩm thực về đêm trên địa bàn các quận, huyện khác đã được hình thành như: Phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung Quận 10, khu chợ đêm và phố đi bộ Quận 11 kết hợp với các hoạt động về đêm của công viên văn hóa Đầm Sen (Đầm Sen By night), Quảng trường nhạc nước Hòa Bình Square Gò Vấp… Các hoạt động du lịch đêm đã tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp của hình ảnh Sài Gòn về đêm, đóng góp ổn định vào nền kinh tế địa phương. 

Phố đi bộ, chợ đêm Túy Loan, H, Hòa Vang, TP Đà Nẵng vừa đi vào hoạt động nhằm thu hút du lịch về địa phương

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng xác định, các hoạt động dịch vụ du lịch về đêm sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch Quảng Nam bền vững trong thời gian tới. Ở một số nơi hoạt động du lịch về đêm phát triển đã tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn, đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Quảng Nam chú trọng đầu tư và hình thành một số sản phẩm du lịch về đêm như: Đêm phố cổ Hội An, các chương trình nghệ thuật đêm tại: Khu vui chơi Vinpearl Land Nam Hội An, Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An, Hoi An Lune Center… mang lại những tín hiệu tích cực trong việc phát triển du lịch đêm. Kinh doanh du lịch đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số ngành nghề truyền thống như: may mặc, lồng đèn, tranh tre, dừa nước, dệt thổ cẩm… Trên cơ cở thực tế, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã đề xuất một số nội dung như tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư, tiếp tục nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch đêm hiện có để thu hút du khách tại các địa điểm du lịch đêm, tiếp tục triển khai công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch để giới thiệu các sản phẩm du lịch về đêm,  đồng thời triển khai chương trình kích cầu du lịch bằng chuỗi các sự kiện trong năm 2021.

Cần giải pháp để giải quyết những vấn đề nảy sinh

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, câu chuyện về phát triển du lịch đêm, đưa ra sản phẩm phục vụ khách nghe thì đơn giản nhưng nếu thực hiện thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan. Như sẽ phát triển dịch vụ gì, phát triển ở đâu, cần ưu tiên khuyến khích hay hạn chế những dịch vụ gì, và cả những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai phát triển các loại hình dịch vụ giải trí này.

Đơn cử như phố đi bộ đêm Bùi Viện, có thể thấy ngoài những hiệu quả kinh tế, du lịch mang lại, phố đi bộ đêm Bùi Viện cũng đang có những xung đột giữa lợi ích và hệ quả, như người dân phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn, lượng người đông đúc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp… đã làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư. Tuy chỉ hoạt động vào các tối cuối tuần, nhưng du khách đến phố đi bộ Bùi Viện luôn đông đúc vào các ngày trong tuần, những ngày này thường không có lực lượng an ninh túc trực khiến tình hình an ninh trật tự hỗn loạn, mất trật tự, gây áp lực không nhỏ đối với chính quyền địa phương. Đây là những vấn đề nan giải rất khó dung hòa mà các địa phương khác cũng sẽ gặp phải trong quá trình phát triển du lịch ban đêm, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý. 

Các địa phương đưa ra ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất

Tương tự, việc phát triển du lịch về đêm tại Đà Nẵng mang lại nhiều lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế - xã hội của thành phố, nhưng đồng thời, cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết như thu hút đầu tư, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng xác định phát triển du lịch đêm ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, vấn đề này cần được quan tâm, giải quyết một cách hài hòa thì du lịch đêm mới có thể phát triển một cách lâu dài, bền vững. Trong đó Đà Nẵng đặc biệt việc tập trung giải quyết vấn đề quy hoạch không gian phát triển riêng biệt dành cho các hoạt động, dịch vụ du lịch vào ban đêm, đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, đặc biệt là hệ thống dịch vụ công cộng như phương tiện giao thông công cộng, nhà vệ sinh, hạ tầng hỗ trợ cho người đi bộ để tạo điều kiện thoải mái tối ưu cho du khách.

Kết luận tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu một lần nữa nhấn mạnh việc phát triển du lịch đêm là nội dung rất quan trọng và đáng để các địa phương tập trung nghiên cứu, xác định thế mạnh của mình. Ưu tiên loại hình dịch vụ nào cần phát triển, chính sách hỗ trợ gì về đầu tư, quản lý, giải pháp đảm bảo an toàn an ninh trật tự… để từ đó có chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên các địa phương cũng cần cân nhắc, nghiên cứu để giải quyết hiệu quả những vẫn đề nảy sinh trong quá trình phát triển các loại hình dịch vụ để mang lại sự phát triển bền vững.

NG. HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...