Phục hồi ngành khách sạn: Những vấn đề khó trong bối cảnh mới
Thiếu nhân lực là tình trạng khó giải quyết
Tuy thời điểm này các hoạt động ngành du lịch đã phần nào cởi mở hơn, thành phố cũng đã có phương án đón khách du lịch, nhưng các cơ sở lưu trú gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, hầu hết các khách sạn đang trong tình trạng tồn tại lay lắt. Những gánh nặng về chi phí lãi vay, chi phí bảo trì và tiếp tục duy trì bộ máy tối thiểu để vận hành nhằm duy tu bảo quản cơ sở vật chất đảm bảo tái mở cửa khi dịch bệnh được khống chế đang khiến các khách sạn đang dần “hụt hơi”.
“Đại dịch Covid-19 đã làm cho toàn bộ hệ thống du lịch tê liệt, đặc biệt là các khách sạn, trong đó khách sạn 5 sao bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Nguyễn Hùng Anh từ Công ty cổ phần Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương - chủ đầu tư Sheraton Grand Danang Resort, nhận xét.
Các khách sạn Đà Nẵng đang đối diện với vấn đề thiếu nhân lực
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền (đại diện khách sạn Danaciti), Phó chủ tịch phụ trách phát triển Hội viên Hội Khách sạn Đà Nẵng lo lắng: “Đặc thù của ngành dịch vụ khách sạn không phải dạng hàng hóa “lưu kho” hay “tồn kho” nên không phải cứ đóng cửa nghỉ xong là mở cửa mang hàng ra bán được. Chúng tôi phải xây dựng kế hoạch từng bước nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất cho đến dịch vụ. Khách sạn quy mô càng lớn thì dịch vụ càng đa dạng và đòi hỏi chất lượng càng cao, trong đó nhân sự cũng chính là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ, nhưng hiện chúng tôi đang đối diện với tình trạng đứt gãy nhân sự”, bà Tuyền cho biết.
Theo hai năm dịch bệnh hoành hành, nhân sự ngành khách sạn tỏa đi tìm kế sinh nhai, rất nhiều người chuyển sang lĩnh vực khác ít rủi ro hơn. Việc đó đã để lại một lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực. Muốn kêu gọi lao động trở lại là một điều khó khả thi, trong khi đó sinh viên ngành du lịch ra trường 2 năm nay cũng không được thực tập, trao dồi kiến thức thực tế. Với thực trạng khó khăn hiện nay thì khách sạn không thể tiếp nhận nhân viên một lần với số lượng tương ứng với quy mô để thuận tiện cho việc đào tạo được, mà chỉ đủ sức tuyển một phần nhất định sau đó chờ đợi vào tình hình kinh doanh thực tế để phát triển tiếp.
Tiếp tục kiến nghị thành phố hỗ trợ
Tính đến nay, thành phố có 1.272 cơ sở lưu trú du lịch với 44.810 phòng. Trong đó có 216 cơ sở lưu trú du lịch hạng 3-5 sao và tương đương (khách sạn, căn hộ, biệt thự du lịch), với 26.822 phòng, chiếm khoảng 60% tổng số phòng trên địa bàn thành phố.
Các doanh nghiệp cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp chính là sự chung tay của chính quyền thành phố, tạo điều kiện nới lỏng thủ tục quy định rườm rà, không cần thiết. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng mong mỏi chính quyền Đà Nẵng xem xét tạm dừng các hoạt động thanh, kiểm tra trong giai đoạn này để các khách sạn tập trung ổn định sản xuất kinh doanh; cơ quan quản lý cần kiểm soát việc phát triển cơ sở lưu trú quá nhiều, tránh lặp lại tình trạng phát triển nóng, cung vượt quá nhiều so với cầu... Để giải quyết vấn đề nhân sự, việc đào tạo, bổ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm khách sạn từ cấp quản lý đến nhân viên phục vụ là vô cùng cần kíp; thành phố cần duy trì những lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, định kỳ vừa để giúp nhân sự trong lĩnh vực khách sạn trau dồi lại kỹ năng, nghiệp vụ mà còn qua các lớp ấy giúp việc cập nhật những xu hướng, kỹ năng phục vụ khách phù hợp với từng hoàn cảnh, giai đoạn của dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Chủ tịch Hội Khách sạn TP, bối cảnh mới đòi hỏi doanh nghiệp lưu trú không thể làm kinh doanh một mình mà cần phải đồng hành, sát cánh. Hội Khách sạn Đà Nẵng đang tiếp tục kiến nghị thành phố có những chính sách cụ thể để hỗ trợ khôi phục hoạt động kinh doanh, cụ thể là xem xét miễn giảm tiền thuê đất; chính sách ưu đãi lãi suất hỗ trợ để các khách sạn bổ sung dòng tiền phục hồi kinh doanh; miễn, giảm và hoãn nộp các loại thuế ít nhất 1 năm; tạm dừng các hoạt động thanh kiểm tra trong giai đoạn này để các khách sạn tập trung ổn định phục hồi.
NGỌC HÀ