A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng bá việc mở cửa đón khách quốc tế của Du lịch Việt Nam

VHO- Ngày 12.11, Báo Dân Việt tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Du lịch Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế” với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý, đại diện các địa phương tham gia mở cửa thí điểm đón khách quốc tế và các doanh nghiệp du lịch.

Tọa đàm đã nêu bật nhiều vấn đề trong việc mở cửa đón khách quốc tế

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, Vụ trưởng vụ lữ hành Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương, lãnh đạo 5 Sở Du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh và các doanh nghiệp du lịch đã tham gia Tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại Việt Nam và đảm bảo việc mở cửa quốc tế hiệu quả, lộ trình đón khách du lịch quốc tế được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11.2021; giai đoạn 2 từ 1.2022; giai đoạn 3 dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Trong gần 2 năm vừa qua, trước tác động của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch trên khắp thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta chưa thể biết khi nào kết thúc, và thiệt hại tổng cộng là bao nhiêu. Dịch vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp. Chủ trương của Chính phủ thời gian gần đây đã có sự thay đổi. Ngành Du lịch giống như các ngành khác đang thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo đề xuất của Bộ VHTTDL và đã được Chính phủ đồng ý, 5 địa phương bao gồm: Kiên Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh sẽ thí điểm đợt đầu trong việc đón khách du lịch quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết việc mở cửa đón khách quốc tế của Việt Nam sẽ được truyền thông rộng rãi

Các địa phương đều rất háo hức, phấn khởi trước quyết định này. Giai đoạn 1 sẽ được Bộ VHTTDL triển khai trong tháng 11, đối tượng du lịch quốc tế là người nước ngoài và người Việt Nam cư trú tại nước ngoài, đảm bảo các điều kiện y tế, xuất nhập cảnh. Khách phải có hộ chiếu vắc xin, tiêm chủng đầy đủ hoặc đã chữa khỏi Covid-19. Các khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải du lịch bằng tour trọn gói với chuyến bay thương mại hoặc chuyến bay thuê bao, thời gian tối thiểu 7 ngày tại 1 trong 5 địa phương được chỉ định.

Giai đoạn 2 dự kiến từ tháng 1.2022, các tiêu chí tương tự như giai đoạn 1, tuy vậy sau khi kết thúc 7 ngày ở địa phương đầu tiên thì khách du lịch có thể di chuyển theo 5 địa phương đã được phép, hoặc có thể tới các địa phương khác nếu Chính phủ phê duyệt.

Giai đoạn 3, ngành Du lịch sẽ tiến hành mở lại toàn bộ các hoạt động quốc tế, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh sẽ xác định cụ thể về mặt thời gian. Lộ trình này đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Mọi vấn đề sẽ được địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng trong giai đoạn thí điểm, với sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan từ trung ương tới địa phương. Theo dự kiến mà Bộ VHTTDL trình Chính phủ khi thí điểm với Phú Quốc (Kiên Giang), mỗi tháng đón 3.000- 5.000 khách. Nếu với 5 địa phương kể trên, con số khách quốc tế mỗi tháng sẽ tăng lên.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, căn cứ theo Hướng dẫn số 4122 ngày 5.11 của Bộ VHTTDL, khách du lịch sau 7 ngày tại điểm đến đầu tiên ở Việt Nam sẽ phải test PCR, đăng ký khi tham gia du lịch tại các địa phương khác. Doanh nghiệp lữ hành sẽ cùng phối hợp với các địa phương được chỉ định liên hệ với cơ quan y tế để quản lý du khách đó.

Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Dân Việt cho biết việc mở cửa du lịch quốc tế đang rất được dư luận báo chí, người dân và khách du lịch quan tâm

Trong trường hợp khách có nhu cầu thăm thân, theo hướng dẫn, khách du lịch cũng sẽ đăng ký qua doanh nghiệp lữ hành để chuyển đổi mục đích trên visa nhập cảnh. Tối đa 90 ngày, khách du lịch cũng có thể trở về nước thông qua các chuyến bay thương mại. Trong Hướng dẫn 4122, Bộ VHTTDL đã nêu rất rõ, ưu tiên hàng đầu là công tác an toàn phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế của các địa phương để xử lý các tình huống cũng như vấn đề liên quan.

Trách nhiệm của các công ty lữ hành trong việc giám sát, theo dõi thông tin của khách là vô cùng quan trọng. Yêu cầu về khách tham gia du lịch trọn gói là yêu cầu quan trọng trong giai đoạn thí điểm này. Dần dần sẽ có những bài học để chúng ta hoàn thiện hơn. Các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể gộp khách trong một chuyến bay về Việt Nam.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết: Công tác truyền thông quảng bá là công việc quan trọng không kém so với các công tác chuẩn bị khác, thậm chí công tác này cần phải đi trước để góp phần tạo nên sự thành công khi mở cửa trở lại. Thời gian qua, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng nội dung truyền thông hướng tới các thị trường khách du lịch mục tiêu của Việt Nam .

Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ VHTTDL xây dựng dự án mang tên "Living fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) để quảng bá cho việc mở cửa quốc tế của Việt Nam. Hiện nay chiến dịch này đã triển khai trên Vietnam.travel (trang giới thiệu du lịch Việt Nam) và trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Pinterest và đón nhận những phản hồi tích cực của khách quốc tế.

“Hiện tại, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện dần để làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhằm tuyên truyền rộng rãi tới khách quốc tế về việc Việt Nam mở cửa du lịch và thông tin với khách du lịch một cách chi tiết chương trình, kế hoạch liên quan tới việc này. Bộ VHTTDL cũng dự kiến làm việc với các hãng truyền thông quốc tế như: CNN, CNBC để có những chương trình truyền thông mạnh mẽ nhất trong thời gian tới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho rằng việc xây dựng các phương án để đảm bảo xử lý nếu có vấn đề rủi ro xảy ra là rất quan trọng

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần sự an toàn, linh hoạt và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện nay các địa phương đang từng bước mở lại hoạt động du lịch, các dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa… một cách có kiểm soát, thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cũng cần phối hợp với địa phương để xây dựng các chương trình du lịch an toàn.

“Về mặt thị trường, hiện nay chúng ta đã xây dựng được quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Với những khách đạt đủ các yêu cầu về phòng chống dịch, thì chúng ta hoàn toàn có thể tiếp đón. Cần xác định rằng du khách không chỉ xuất phát từ một điểm cố định mà còn đi qua nhiều điểm khác nhau”, ông Phương nhấn mạnh.

Điều quan trọng nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ và địa phương. Ngành Du lịch đã có những hướng dẫn rất cụ thể để giúp địa phương đón khách một cách an toàn. Tổng cục Du lịch đã làm việc rất kỹ với các địa phương về việc ngoài sàng lọc ban đầu (đảm bảo khách xanh, nhân viên xanh, dịch vụ xanh) thì việc quan trọng hơn là xây dựng các phương án để đảm bảo xử lý nếu có vấn đề rủi ro xảy ra.

Từ góc độ của địa phương, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho rằng, việc tổ chức tiêm chủng ngừa Covid-19 cho người dân và người lao động trong ngành Du lịch rất quan trọng. Hiện nay tỉnh đã triển khai tiêm đủ 2 mũi vắc xin (qua 14 ngày) cho nhân viên các đơn vị cung ứng dịch vụ, tham gia đón khách giai đoạn đầu theo lộ trình mà Bộ VHTTDL và Chính phủ đã hướng dẫn. Quảng Nam đang tập trung tiêm vắc xin cho người dân ở phố cổ Hội An và có 90% người dân đã tiêm mũi 1, số còn lại đang được tiêm mũi 2 để đảm bảo đủ hai mũi đón khách quốc tế. Giai đoạn 2- 3 theo lộ trình tất cả các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo tiêm chủng để đón khách quốc tế.

Về lựa chọn khu vực và đơn vị cung ứng dịch vụ, tháng 4.2021, Tổng cục Du lịch và Quảng Nam đã khảo sát các địa điểm du lịch đáp ứng đủ điều kiện để đón khách quốc tế. Đến nay ở giai đoạn 1, chúng tôi đã đưa khu Nam Hội An, Nam Vinpearl, Tui Blue... Đây là những khu nghỉ dưỡng lớn có các dịch vụ như: casino, golf, khu vui chơi giải trí…. Khách tham gia chương trình sẽ được tham quan phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và những dịch vụ giải trí khác, đồng thời được xét nghiệm ngay khi tới Quảng Nam.

Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Võ Huy Cường đề xuất không nên hạn chế thị trường khi mở cửa du lịch quốc tế

“Trước mắt, chúng tôi tính toán là nếu đón khách quốc tế thì không đón khách khác. Hoặc chúng tôi sẽ phân luồng đón khách quốc tế và khách trong nước tới du lịch để đảm bảo phòng chống dịch. Tại thời điểm này, khách du lịch tới Quảng Nam có thể tham quan các điểm liên kết với nhau. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng địa điểm được chọn để khách tới du lịch, ưu tiên các khách sạn, địa điểm đã đón khách cách ly có thu phí trước đó”, ông Tường nói.

Theo thống kê, 5 tháng qua có 27 khách sạn trên địa bàn tỉnh đón khách du lịch nhập cảnh cách ly, phục vụ gần 25.000 người nhập cảnh về Quảng Nam. Đây đều là các đơn vị đã có kinh nghiệm, có thể đón khách quốc tế trong giai đoạn tới. Một số đơn vị lữ hành cũng đã làm việc với Quảng Nam để đón khách quốc tế, trước mắt là khách từ thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Theo Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Võ Huy Cường: “Bộ VHTTDL đã xây dựng kế hoạch tổng thể thí điểm đón khách quốc tế. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc chúng ta tái khởi động các chuyến bay quốc tế. Hôm qua (11.11), đã có 2 chuyến thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) với 222 khách và 1 chuyến từ Tokyo (Nhật Bản) chở 207 khách đến Nha Trang (Khánh Hòa)”.

“Theo kế hoạch tổ chức các chuyến bay của 1 số hãng, Vietnam Airlines ngày 17.11 tới đây có 1 chuyến, Vietjet Air có 2 chuyến ngày 11.11 và 1 chuyến ngày 20.11 về Kiên Giang. Sau đó, sẽ có khoảng 24 chuyến về Kiên Giang, Khánh Hòa”, ông Cường cho biết.

Du khách sẽ nằm ở các thị trường chính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan. Đây là những kế hoạch ban đầu, là những tín hiệu khích lệ cho dự án của chúng ta. Đồng thời, việc ngành Hàng không tái lập lại những chuyến bay chở khách sẽ tạo điều kiện cho du khách nước ngoài tới Việt Nam và bà con Việt Nam đang kẹt tại nước ngoài có thể về nước.

Ông Cường cho rằng không nên hạn chế thị trường khách tới Việt Nam vì nếu chúng ta hạn chế các thị trường du lịch, vô hình chung chúng ta hạn chế tính hiệu quả của kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế, tự hạn chế lượng khách. Thị trường du lịch trọng điểm chưa chắc đã có khách. Ví dụ Trung Quốc, nếu không có dịch thì không có thị trường nào cạnh tranh được với Trung Quốc, nhưng hiện tại Trung Quốc đã có chính sách hạn chế cư dân ra nước ngoài. Thậm chí, ngoài thị trường mục tiêu, nên tạo điều kiện cho các hãng hàng không và các công ty du lịch có nguồn khách bổ sung, miễn là khách có nhu cầu và đáp ứng các tiêu chí an toàn, có hộ chiếu vắc xin, phòng khi thị trường mục tiêu không có khách sẽ có nguồn khách bù vào.

ANH VŨ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...