Tạo điều kiện tối đa để hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chủ trì phiên họp với các địa phương, hội nghề nghiệp nhằm đưa ra giải pháp để hướng dẫn viên được hỗ trợ sớm nhất
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chủ trì Hội nghị với sự tham gia của các Phó tổng cục trưởng: Nguyễn Lê Phúc, Phạm Văn Thuỷ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội, Hội hướng dẫn viên du lịch, Chi hội hướng dẫn viên du lịch các địa phương.
Đề nghị chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hạn là được nhận hỗ trợ
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Sau gần 2 tháng thực hiện Quyết định 23 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã xuất hiện một số vướng mắc cần giải quyết để các hướng dẫn viên du lịch có thể tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất”
Tháng đầu tiên triển khai Quyết định 23, có khoảng 400 hướng dẫn viên trong cả nước được nhận hỗ trợ hơn 1,4 tỉ đồng. Tổng cục Du lịch đã liên tục đôn đốc các Sở quản lý du lịch địa phương khẩn trương triển khai việc hỗ trợ hướng dẫn viên. Tính đến 24.8, có 55 Sở gửi báo cáo về việc triển khai Quyết định 23. Có 45 Sở báo cáo về tình hình nhận hồ sơ của hướng dẫn viên du lịch đề nghị nhận hỗ trợ. Trong tổng số 3.027 hồ sơ gửi về các Sở, có 2.741 hồ sơ hợp lệ, hướng dẫn viên du lịch được duyệt hỗ trợ với số tiền 10,169 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên hiện nay vẫn khá chậm. Theo tổng hợp của Bộ LĐTBXH, việc chậm trễ được cho là do đang thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành; do hạn chế đi lại để phòng chống dịch Covid-19 và tránh tiếp xúc đông người; người lao động, người sử dụng lao động chưa hiểu rõ chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ; cán bộ các địa phương có cách hiểu khác nhau, chưa linh hoạt trong xử lý hồ sơ, một số địa phương chưa chủ động quyết liệt; một số địa phương có kế hoạch nhưng chưa tổ chức triển khai thực hiện hoặc thực hiện chậm…
Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm việc với các địa phương, các Hiệp hội Du lịch, Hội hướng dẫn viên, Chi hội hướng dẫn viên….để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ, với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ kịp thời.
Hiện nay, một số địa phương tập trung hướng dẫn viên du lịch đông TP.HCM 6.000 người, Đà Nẵng 4.700 người, Hà Nội 5.800 người, Khánh Hoà trên 1.500 người…, chiếm gần 70% tổng số hướng dẫn viên toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành: “Báo cáo từ các Sở quản lý du lịch địa phương cho thấy, đã có trên 1.200 hướng dẫn viên của Đà Nẵng, 500 hướng dẫn viên của Thừa Thiên Huế, 390 hướng dẫn viên của TP.HCM được nhận hỗ trợ... Đề nghị các Sở địa phương hoàn chỉnh quy trình nội bộ đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ. Đồng thời chuẩn bị các phương sau dịch lượng hướng dẫn viên du lịch đăng ký nhiều hơn, đề nghị sẵn sàng phương án giải quyết hồ sơ nhanh nhất có thể".
Quá trình thực hiện Quyết định 23, một số địa phương khác đang còn khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó, theo các địa phương, việc nhiều hướng dẫn viên du lịch không hoàn thiện được hồ sơ là do chỉ có hợp đồng vụ việc với doanh nghiệp. Điều đó cho thấy công tác quản lý nhà nước về du lịch còn chưa tốt, công tác thanh tra, kiểm tra còn bất cập, chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm trong việc ký hợp đồng lao động, từ đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cho hướng dẫn viên.
Nhiều ý kiến đề xuất hướng dẫn viên du lịch chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hạn là được nhận hỗ trợ
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết đã có 5 đợt hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch với tổng số 390 hướng dẫn viên, số tiền hơn 900 triệu đồng. Với việc thực hiện Quyết định 23, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị, hợp đồng lao động theo quy định có 10 điều, đề nghị cân nhắc 3 điều quy định về bảo hộ lao động, chế độ nâng lương, đào tạo bồi dưỡng. Việc vào Hiệp hội Du lịch rất dễ dàng, hoạt động cởi mở nên các hướng dẫn viên du lịch nên vào để được bảo vệ quyền lợi. Còn để hỗ trợ kịp thời nhất, đại diện Sở Du lịch TP.HCM đề nghị chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hiệu lực là được nhận hỗ trợ.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Khánh Hoà cho biết: Khánh Hoà có 1.525 hướng dẫn viên, đến nay mới có 86/108 hồ sơ được duyệt. Việc duyệt hồ sơ đang thực hiện đúng theo thời gian quy định. Chúng tôi đề xuất chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hạn là có thể chi hỗ trợ. Hiện nay, nhiều hồ sơ thiếu chi tiết hoặc đang giãn cách nên khó khăn công chứng giấy tờ.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất, đơn giản nhất để hướng dẫn viên nhận hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Số lượng hướng dẫn viên du lịch của thành phố là 4.751 người. Để giải quyết nhanh nhất cho hướng dẫn viên du lịch theo Quyết định 23, Sở Du lịch Đà Nẵng đã thành lập tổ thẩm định hồ sơ (có cả thành phần Hiệp hội Du lịch và Hội hướng dẫn viên Đà Nẵng). Đến nay, Đà Nẵng đã xử lý được 3.100 hồ sơ. Trong đó, 1.229 người đã nhận tiền hỗ trợ. Số 1.800 hồ sơ còn lại được nhận thông tin hồ sơ trực tuyến. Việc nộp hồ sơ giấy như quy định theo đường bưu điện hoặc 1 cửa để hoàn thiện hồ sơ. Chỉ có 33 hồ sơ đã được duyệt ở Đà Nẵng có hợp đồng lao động với các công ty du lịch, còn lại hầu hết là hội viên hội hướng dẫn viên.
Mặc dù Đà Nẵng không có vướng mắc gì nhiều khi thực hiện Quyết định 23 nhưng ông Bình cũng đề nghị để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hướng dẫn viên du lịch trong điều kiện khó khăn hiện nay, chỉ cần thẻ hướng dẫn viên là có thể nhận hỗ trợ.
Ông Trần Hữu Thuỷ Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã giải quyết được 550 trên tổng số 560 hồ sơ nhận được với số tiền 2,06 tỉ đồng. Sở này đề nghị tất cả hướng dẫn viên được cấp thẻ trước 7.7.2021 đều được nhận hỗ trợ (trừ những trường hợp nhận lương từ ngân sách nhà nước). Trường hợp thẻ hết hạn mà chưa gia hạn (do giãn cách xã hội) nên cho nợ vì như hiện nay, liên quan đến hợp đồng lao động, các công ty đóng cửa, không thể sao lưu hợp đồng để hoàn thiện hồ sơ.
Tạo điều kiện thuận lợi để hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ sớm nhất
Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam nêu ý kiến: “Hội gửi bản mềm thẻ hội viên qua mạng cho các hướng dẫn viên du lịch và đề nghị các Sở quản lý du lịch chấp nhận thông tin đã được duyệt trên mạng”.
Ông Phan Bửu Toàn, Chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên du lịch TP.HCM thông tin, đến nay đã có 2.000 người đăng ký là thành viên của Chi hội. Chi hội đã cung cấp toàn Bộ danh sách hội viên cho Sở quản lý du lịch. Sở tra cứu được ngay, sao lưu trên hệ thống, cổng thông tin của Hội xác nhận. Hiện nay 80% hướng dẫn viên du lịch đã được duyệt hồ sơ là hội viên, còn lại là ký hợp đồng với doanh nghiệp. Thời gian vừa rồi thực hiện chưa đúng điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên theo Luật Du lịch nên dẫn tới tình trạng như hiện nay. Để hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo Quyết định 23, đối với hợp đồng lao động, ký không đúng theo quy định của Luật, xin phép được chấp nhận trong giai đoạn này. Điều kiện được nhận hỗ trợ như bây giờ đã đơn giản đến mức tối thiểu rồi, không cần giảm thêm.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: "Hà Nội cấp hơn 5.800 thẻ hướng dẫn viên, trong đó hơn 3.000 hướng dẫn viên ở Hà Nội, còn lại ở các tỉnh, thành phố khác. Đến nay, Sở mới nhận được 96 hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Chỉ có 49 hồ sơ đủ điều kiện, còn lại là chưa đủ điều kiện và đang trong quá trình thẩm định. Qua quá trình giải quyết hồ sơ cho thấy nhiều hợp đồng không đúng quy định; số hội viên hội nghề nghiệp không nhiều nên hồ sơ không hợp lệ. Tuy nhiên, rất nhiều hướng dẫn viên chỉ có hợp đồng vụ việc, đi tour thật, có đóng góp cho ngành… nên nếu không nhận được hỗ trợ (vì hồ sơ không hợp lệ) sẽ rất thiệt thòi cho họ. Tinh thần của Nghị quyết 68 là hỗ trợ kịp thời hướng dẫn viên du lịch nhưng cũng không để bị trục lợi chính sách, Hà Nội cũng sẽ có giám sát trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ, vì thế, việc hỗ trợ từ tiền ngân sách phải đảm bảo đúng quy định. Từ những lý do nêu trên, Sở Hà Nội đề nghị chỉ cần hướng dẫn viên có thẻ, còn hạn là được hỗ trợ để động viên, giữ chân nguồn nhân lực quan trọng này".
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Tại cuộc họp đã có 15 ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hội hướng dẫn viên các địa phương nêu khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cho việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với tinh thần chung là cố gắng cao nhất và mở rộng đối tượng, cắt giảm tối đa những điều kiện không cần thiết, tạo điều kiện để đội ngũ hướng dẫn viên, lực lượng lao động nòng cốt của ngành vượt qua khó khăn hiện nay để chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục và phát triển sắp tới”.
THUÝ HÀ