Tìm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tại huyện Nam Đàn, Nghệ An
Hoạt động du lịch nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết: Trong những năm qua, hoạt động du lịch khai thác các yếu tố từ khu vực sản xuất nông nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu ngành du lịch. Du lịch nông nghiệp đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch quan trọng của du lịch Việt Nam và một số địa phương. Một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đã trở thành thương hiệu, một số mô hình kinh doanh du lịch kết hợp với khai thác nông nghiệp đã thành công, mang lại gia trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương.
Toàn cảnh Toạ đàm
Nghệ An là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, do vùng nông nghiệp nông thôn chiếm diện tích lớn, trong đó, huyện Nam Đàn là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2025 theo hướng "Phát triển văn hóa gắn với du lịch". Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố tài nguyên, môi trường sinh thái, phát triển theo chiều rộng, thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả kinh tế - xã hội từ hoạt động du lịch nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở Du lịch và huyện Nam Đàn đã giới thiệu về tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông thôn ở địa phương. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ, đầu tư, kết nối, đào tạo nhân lực và “hiến kế” để du lịch nông thôn phát triển bền vững.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung phát biểu tại Tọa đàm
TS. Ngô Kiều Oanh nêu ý kiến giải pháp tìm sản phẩm đặc trưng phát triển du lịch
Khai thác sản phẩm cây sen thành sản phẩm mũi nhọn để phát triển du lịch Nam Đàn
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Thị Thành An đã giới thiệu tổng quan về du lịch Nghệ An. Bà An cho biết, giai đoạn 2011-2019, du lịch Nghệ An tăng trưởng khách bình quân đạt 6,2%/ năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng 13,5%/ năm, tạo việc làm cho gần 13.000 lao động trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ được quan tâm đầu tư. Đặc biệt là một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch làng nghề tại các bản làng nông nghiệp của các huyện Nam Đàn, Con Cuông tạo điểm nhấn mới cho du lịch Nghệ An.
Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông thôn Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn vướng mắc như tăng trưởng lượng khách thiếu ổn định, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp, mức chi tiêu của khách du lịch còn rất hạn chế; tính hấp dẫn và đa dạng của sản phẩm du lịch còn nhiều bất cập nhất là việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm về đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân; chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư và hỗ trợ người dân; công tác tuyên truyền quảng bá, kết nối thông tin điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch còn hạn chế...
Các thành viên Đoàn công tác Tổng Cục Du lịch tham quan Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Nam Đàn Vương Hồng Thái thẳng thắn thừa nhận du lịch canh nông tại Nam Đàn đang manh mún, nhỏ lẻ. Hiện các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu do huyện chỉ đạo hỗ trợ cơ bản đã hoàn thiện bước đầu đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch như: mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm của hộ gia đình Phạm Ngọc Lợi tại xã Nam Nghĩa; mô hình trang trại hoa của hộ gia đình ông Phạm Trung Kiên tại xã Kim Liên; mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm Eo Gió tại xã Nam Giang; mô hình hình du lịch homestay của 4 hộ gia đình (ông Nguyễn Sinh Chung, ông Nguyễn Sinh Lạc, ông Vương Minh, ông Nguyễn Hồng Thuý) tại xóm Sen 3, xã Kim Liên.
Xây dựng sản phẩm mang đặc trưng thương hiệu
Tại buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp đã trao đổi, đưa ra nhiều ý kiến về các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch; định hướng phát triển sản phẩm theo thị trường khách; xây dựng những sản phẩm mang đặc trưng thương hiệu Nam Đàn; liên kết tạo tour tuyến…Trước buổi tọa đàm, từ ngày 1 – 3.12, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã tiến hành khảo sát một số điểm du lịch Khu di tích Kim Liên, Chùa Đại Tuệ, làng nghề Tương Nam Đàn, mô hình du lịch canh nông tại xã Nam Nghĩa, du thuyền ngược dòng sông Giăng…
Đoàn công tác Tổng Cục Du lịch check-in tại đền Chung Sơn (Nam Đàn)
Từ thực tế khảo sát, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Nghệ An nói chung, du lịch nông thôn tại Nam Đàn nói riêng để tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Theo ý kiến của TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn độc lập du lịch nông nghiệp, nông thôn cho rằng, Nam Đàn cần khai thác sản phẩm cây sen thành sản phẩm mũi nhọn để phát triển du lịch. Sen là biểu tượng gắn bó mật thiết với quê hương Bác Hồ nên cần tập trung xây dựng không gian hài hòa giữa sắc màu, hương thơm của hoa sen, xây dựng những con đường hoa sen, chế tạo các sản phẩm từ sen để thu hút khách du lịch, giúp du khách cảm nhận được nét đẹp đặc trưng của quê Bác. Xây dựng mô hình thưởng thức trà từ sen một cách chuyên nghiệp trong không gian thanh tịnh. Tạo bản đồ tour nông trại đẹp, bắt mắt…
Dưới góc độ người kinh doanh lữ hành, ông Lê Điệp Thanh Tùng đến từ tỉnh Ninh Thuận đề xuất giải pháp cần xây dựng sản phẩm đặc trưng, cùng với cây sen, cây tre cũng là sản phẩm đặc trưng của làng quê Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Do vậy, Nghệ An cần nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm từ tre để du khách có cơ hội trải nghiệm, từ đó xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp cho địa phương. Với mô hình làng nghề cần có mặt hàng chuyên nghiệp, người dân trong vùng du lịch được đào tạo nghiệp vụ chuyên nghiệp, đón tiếp và giới thiệu sản phẩm rõ ràng…
Đoàn công tác Tổng Cục Du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất đặc sản tương Nam Đàn.
Nhiều doanh nghiệp đã trao đổi, đưa ra nhiều ý kiến về các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch; định hướng phát triển sản phẩm theo thị trường khách; xây dựng những sản phẩm mang đặc trưng thương hiệu Nam Đàn; liên kết tạo tour tuyến… giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông thôn ở Nam Đàn cần kết hợp với loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, để có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, tăng thời gian lưu trú cho khách du lịch...
Kết thúc tọa đàm, lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An đã tiếp thu ý kiến tư vấn, đóng góp của các đại biểu và mong muốn lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các chuyên gia và doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư, kết nối, đào tạo nhân lực và đưa ra những ý kiến quý giá để du lịch nông thôn ở địa phương phát triển bền vững.
PHẠM NGÂN