A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức Năm du lịch quốc gia 2021 khẳng định du lịch đang phục hồi và phát triển trở lại

VHO- “Đây là thời điểm thích hợp để khởi động lại và đẩy mạnh các hoạt động du lịch khi dịch bệnh đã được khống chế tốt ở Việt Nam, phù hợp với trạng thái bình thường mới. Việc tổ chức các hoạt động Năm du lịch quốc gia 2021 cũng sẽ khẳng định sự phục hồi và phát triển du lịch”, UV TW Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Ninh Bình.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc khởi động lại các hoạt động Năm du lịch quốc gia 2021 là cần thiết để khẳng định sự phục hồi du lịch

Để chuẩn bị tổ chức tốt Năm du lịch quốc gia 2021 và định hướng phát triển du lịch Ninh Bình thời gian tới, ngày 25.3, UV TW Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Văn Ngọc đồng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các Cục, Vụ trực thuộc Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch. Phía tỉnh Ninh Bình có đại diện các sở, ngành, địa phương trực thuộc tỉnh dự họp.

Tổ chức Năm du lịch quốc gia 2021 phù hợp với tình hình mới

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, đây là thời điểm thích hợp để khởi động lại và đẩy mạnh các hoạt động du lịch khi dịch bệnh đã được khống chế tốt ở Việt Nam, phù hợp với trạng thái bình thường mới. Hiện nay, Bộ VHTTDL cũng đang nghiên cứu các phương án, trình Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép. “Để chuẩn bị và tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia 2021, cần có sự nỗ lực cao nhất, trách nhiệm nhất của Bộ VHTTDL và tỉnh Ninh Bình. Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động du lịch, thu hút khách trở lại, phục hồi sau Covid-19 và tạo sự đột phá trong chiến lược phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch và tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021

Sau một năm lỡ hẹn với sự kiện du lịch tầm quốc gia, hiện nay, trong điều kiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2021 sẽ diễn ra trong điều kiện mới để quảng bá, giới thiệu về sản phẩm du lịch, điểm đến an toàn, hấp dẫn của Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng với du khách trong nước và quốc tế.

Năm 2020 Ninh Bình được cho phép đăng cai Năm Du lịch Quốc gia nhưng trong suốt một năm qua gần như không tổ chức được hoạt động chính thức nào của Năm du lịch do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, Ninh Bình rất quan tâm và tiếp tục xin đăng cai, tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021. Tỉnh đã tính toán đến các phương án trong trường hợp diễn biến của dịch có thay Năm Du lịch Quốc gia 2021đổi.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng, năm 2020, toàn tỉnh chỉ đón 2,6 triệu lượt khách (đạt 34,3% so với năm 2019), doanh thu 1.500 tỉ đồng (đạt 43%), khách du lịch quốc tế đạt 195 nghìn lượt người (đạt 21,4%). Đến hết tháng 3.2021, toàn tỉnh ước đón trên 600 nghìn lượt khách, chỉ đạo 50% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu đạt 420 tỉ đồng, đạt 70,8% so với cùng kỳ 2020.

Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Ninh Bình đang phấn đấu trở thành một trung tâm du lịch của quốc gia

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là một trong trong 3 khâu đột phá của tỉnh.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu năm 2021 đón 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó 500 nghìn lượt khách quốc tế; 6,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 3.500 tỉ đồng. Năm 2025, đón 8- 9 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế; 6,5-7,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 8.000 tỉ đồng.

Ninh Bình đặt mục tiêu là trung tâm du lịch của quốc gia

Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Ninh Bình luôn phát triển du lịch gắn với văn hóa. Nghị quyết mới nhất của Đảng bộ tỉnh cũng xác định Ninh Bình là một tỉnh du lịch và đặt mục tiêu Ninh Bình là trung tâm du lịch của quốc gia.  Những năm qua, du lịch phát triển kinh tế của người dân tăng cao, bộ mặt của tỉnh cũng thay đổi. Yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh được đặt lên hàng đầu.

Đoàn công tác của Bộ VHTTDL tại cố đô Hoa Lư

“Liên quan đến việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021, Ninh Bình khẳng định vẫn quyết tâm thực hiện. Đến nay, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia. Lễ khai mạc cũng sẽ được tổ chức ở mức độ tối đa, quy mô sẽ tùy vào tình hình dịch bệnh để quyết định. Việc tổ chức phải thực hiện đúng quy định, đảm bảo nhanh nhất, ngay hôm nay mọi việc phải thực hiện luôn”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Đến nay du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế, với 3 loại hình du lịch chủ đạo: du lịch tâm linh, sinh thái và văn hóa lịch sử. Ninh Bình cũng là nơi được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn tầm quốc gia, quốc tế.

“Du lịch của Ninh Bình những năm qua có những phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ tỉnh thuần nông đi lên thành tỉnh phát triển dịch vụ, du lịch; chuyển từ phát triển “nâu” sang “xanh”; chuyển đổi cơ bản cách nghĩ, cách làm về du lịch. Từ những người nông dân chỉ biết chèo thuyền mưu sinh đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về vẻ đẹp quê hương mình với du khách trong nước và quốc tế”, Thứ trưởng nói.

Đoàn công tác tại khu vực khai quật khảo cổ học di tích cố đô Hoa Lư

Thứ trưởng nhấn mạnh: Quyết sách của các lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ về phát triển du lịch đã đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Bình đã phát triển vượt bậc về du lịch. Đến nay, Ninh Bình đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới, được các trang du lịch nổi tiếng trên thế giới bình chọn, thừa nhận. Du lịch phát triển, người dân được hưởng lợi, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn. Đời sống văn hóa cơ sở được nâng cao, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư.

Thứ trưởng cho biết: Sắp tới Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Trong chiến lược này sẽ đưa ra các lộ trình để tổ chức thực hiện, trong đó có các diễn đàn văn hóa Việt Nam thường niên, khẳng định văn hóa phải ngang bằng với kinh tế, văn hóa là động lực của sự phát triển. Khi triển khai có thể sẽ chọn điểm, chọn diện. Chúng tôi mong muốn phát triển văn hóa hiện đại nhưng phải gắn liền với làng xã. Có những những thời điểm, nước mất nhưng làng không mất, văn hóa đã trở thành sức mạnh nội sinh của cả dân tộc. Để thực hiện chiến lược này, Ninh Bình cần hệ thống lại toàn bộ bộ tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa, tiến tới chọn Ninh Bình “làm điểm” trong việc triển khai xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị thời gian tới, tỉnh cần quan tâm hơn đến việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Công tác quản lý nhà nước, bộ công cụ quản lý cũng đang thiếu, chưa làm tốt, có những việc chưa có hiệu ứng tích cực, còn tình trạng phát triển “nóng”. Vì thế, cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, làm nổi bật những giá trị văn hóa tiêu biểu, kết nối các di sản. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai. Hiện nay, trong chừng mực nào đó, chúng ta chưa đầu tư thỏa đáng cho văn hóa. Thời gian tới, Bộ sẽ đồng hành với tỉnh Ninh Bình để phát huy tốt hơn, bảo vệ và làm tỏa sáng các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng đông vào những ngày cuối tháng 3.2021

Trong lĩnh vực du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng tỉnh Ninh Bình cần rà soát lại quy hoạch du lịch Ninh Bình, xem xét toàn bộ điểm đến, định hướng phát triển về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch. Đồng thời, phải có tầm nhìn trong phát triển du lịch. Phát triển hạ tầng du lịch không phải chỉ từ nguồn ngân sách mà cả những nguồn lực trong xã hội. Bộ VHTTDL sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc cử các nhà khoa học thực tiễn, có kinh nghiệm để nghiên cứu và tư vấn phát triển du lịch.

Sau khi thảo luận, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Ninh Bình thống nhất tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021 lồng ghép với Lễ hội Hoa Lư vào ngày 20.4 (tức ngày 9.3 âm lịch).

“Chương trình Lễ khai mạc cần tổ chức hoành tráng, đảm bảo tính trang trọng, hiệu quả, thể hiện được những giá trị văn hóa nổi bật của tỉnh và tầm cỡ của sự kiện quốc gia. Tuy nhiên, không nên quá cầu toàn, cũng không quá nặng nề. Quy mô của Lễ khai mạc phù hợp với những diễn biến của dịch, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Tổng cục Du lịch và các cơ quan của Bộ VHTTDL chủ động đẩy mạnh truyền thông của sự kiện này và phối hợp với tỉnh trong công tác chuyên môn. Thông qua việc tổ chức Lễ khai mạc và các sự kiện Năm du lịch quốc gia 2021 khẳng định du lịch đang hồi phục và phát triển trở lại”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu.

THÚY HÀ;: ảnh: NGỌC TRANG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...