Việt Nam là điểm sáng của du lịch thế giới
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị TCDL phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong giải quyết các điểm nghẽn
Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Du lịch. Hội nghị có sự tham dự của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức Tổng cục Du lịch và đại diện lãnh đạo các Tổng cục, cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Phá sản các kế hoạch đã đề ra
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Bước vào năm 2020, ngành Du lịch đặt ra nhiều tham vọng, mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, 90 triệu lượt khách nội địa, doanh thu du lịch đạt 830.000 tỉ đồng. Quả thực, trong tháng 1.2020, lần đầu tiên trong lịch sử, Du lịch Việt Nam đón 2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát ngay trong tháng 2 đã tác động tiêu cực đến ngành Du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam. Hoạt động du lịch toàn cầu ngưng trệ, du lịch nội địa của chúng ta cũng ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn ngành tập trung cùng cả nước chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, cho đến giờ, vẫn chưa tính toán được những thiệt hại của du lịch trên thế giới nhưng Tổ chức du lịch thế giới dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng âm từ 4,9-5,2%. Trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách quốc tế giảm từ 70- 75% so với năm 2019, tương đương mức giảm khoảng 1 tỉ lượt khách và 1.100 tỉ đô la Mỹ tổng thu từ khách du lịch; làm thiệt hại hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ đối với GDP toàn cầu. Hiện nay, các quốc gia, điểm đến trên thế giới đều hạn chế khách quốc tế, tập trung đảm bảo an toàn của điểm đến, chủ yếu khai thác du lịch nội địa và định hình lại chính sách phát triển du lịch.
Thay mặt Tổng cục Du lịch, báo cáo công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết: “Năm 2020, nhiều kế hoạch hầu như không thực hiện được, chỉ tiêu đặt ra đều giảm mạnh: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.200 tỉ đồng, giảm khoảng 58,7% so với năm 2019, tương đương giảm 19 tỉ đô la Mỹ”.
Cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, ytrong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động 90-95%. Năm 2020 có 201 lữ hành xin cấp mới giấy phép nhưng có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Các công ty lữ hành quốc tế chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa. 26.721 hướng dẫn viên, với 16.965 cũng chuyển sang hướng dẫn nội địa hoặc chuyển nghề. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20- 25% ở các tỉnh/ thành phố; một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi.
Ngành Du lịch đề ra 5 nhiệm vụ chính trong năm 2021
Theo báo cáo từ các địa phương, mặc dù đã chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19 nhưng tác động của dịch Covid-19 vẫn hết sức nặng nề. TP.HCM đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế (giảm 85% so với năm 2019), Khánh Hoà đón 1,2 triệu lượt khách (giảm 82,3%), trong đó khách quốc tế chỉ đạt 435.000 lượt (giảm 87,8%), Đà Nẵng chỉ đón khách 881.000 lượt khách quốc tế (giảm 69,2%), Quảng Ninh đón 536.000 lượt khách quốc tế (giảm 90,6%)…
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên một số các sự kiện quảng bá, xúc tiến điểm đến trong kế hoạch công tác năm 2020 đã không thực hiện được như: Năm Du lịch quốc gia 2020- Ninh Bình chuyển sang năm 2021 thực hiện; quảng bá nhân sự kiện giải đua xe F1; Hội chợ WTM (Anh), MITT (Nga), ITB (Đức), ITE (TP.HCM)….
Giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhanh chóng phục hồi
Trong bối cảnh hết sức khó khăn ấy, năm 2020, Việt Nam vẫn được bình chọn là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến golf tốt nhất…
Tổng cục Du lịch đã xây dựng các đề án và nhiều văn bản quản lý nhà nước quan trọng như: tham mưu xây dựng và báo cáo lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; triển khai đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai các nội dung đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động; triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch đầu tư hoàn thiện thủ tục, được Thủ tướng Chính phủ 3 nước thông qua Kế hoạch phát triển du lịch của khu vực tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng dự thảo Tuyên bố chung về Du lịch số ASEAN đã được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua; trình Bộ trưởng phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hoá…
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Tổng cục Du lịch đã đề xuất các Giải pháp ứng phó và phục hồi ngành Du lịch trong bối cảnh Covid-19; chủ động ban hành các văn bản theo thẩm quyền để kịp thời ứng phó với dịch Covid-19. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã đề xuất và triển khai có hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa Người Việt Nam du lịch Việt Nam và Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn, với sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người du lịch, qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại cho ngành Du lịch, nhanh chóng phục hồi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết năm 2021, toàn ngành sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao
Tổ chức du lịch thế giới dự báo du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu phục hồi từ quý 3 năm 2021, quá trình phục hồi phải mất từ 2,5- 4 năm. Trong khi đó, lúc này, đại dịch Covid-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động, nhiều doanh nghiệp chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút; nhiều chính sách hỗ trợ dù đã có chủ trương nhưng chưa đến được với doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến về các giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới như: định hướng công tác xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai hoạt động du lịch an toàn, tiếp tục đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành, giải pháp quản lý một số loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới, quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới...
Sẵn sàng hồi phục
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng trong tình cảnh du lịch cả thế giới đang hết sức khó khăn như hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nước nào chuẩn bị tốt, sẵn sàng hồi phục, mở cửa đón khách quốc tế khi đủ điều kiện, nước đó sẽ có cơ hội bứt phá, vươn lên. Vì thế, năm 2021, ngành Du lịch đề ra 5 nhiệm vụ chính, trong đó tiếp tục tập trung tăng cường truyền thông và triển khai ứng dụng các tiêu chí du lịch an toàn; tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá ra thị trường du lịch nước ngoài; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của ngành Du lịch nhằm vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động trong năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ngành đã có những đóng góp lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương, Du lịch Việt Nam cũng là điểm sáng của du lịch thế giới.
Hội nghị đã nhìn nhận, đánh giá rõ những khó khăn của ngành Du lịch hiện nay và đề ra những giải pháp cụ thể thời gian tới
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025 của đất nước, vì thế, ngành Du lịch cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thể hiện khát vọng phát triển trong thời kỳ mới, thực hiện phương châm Liên kết, hành động và phát triển”. Thứ trưởng yêu cầu ngành Du lịch tăng cường liên kết trong ngành, trong Bộ để phát triển các sản phẩm du lịch; liên kết giữa các đơn vị của Tổng cục Du lịch với các địa phương với các tỉnh/ thành trọng điểm du lịch, có ưu thế du lịch nổi trội; triển khai hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch, định hình hướng đi mới cho ngành….
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng thể chế, rà soát đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đồng thời, nghiên cứu định vị lại các thị trường du lịch quốc tế, sẵn sàng mở lại các thị trường quốc tế khi đủ điều kiện, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tăng lượng đi đôi với tăng chất, nâng cao chất lượng khách, định hướng và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường khách. Quan tâm nhiều hơn đến thị trường du lịch nội địa, nhất là những thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa.
Thứ trưởng cũng lưu ý Tổng cục Du lịch tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, trong đó tập trung vào phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (big data) của ngành Du lịch, xây dựng bản đồ du lịch an toàn… Sớm đưa vào vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao ở cả cơ quan quản lý nhà nước và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN