Việt Nam mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của du lịch thế giới
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tiếp song phương với ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á- Thái Bình Dương của UNWTO
Thay mặt Tổng cục Du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cảm ơn UNWTO đã hỗ trợ tích cực cho du lịch Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phục hồi ngành Du lịch vào giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch. Trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch và có kế hoạch đăng cai nhiều sự kiện du lịch quốc tế trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch rất mong có sự hiện diện của UNWTO tại các sự kiện này.
Tổng cục trưởng cũng hi vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của UNWTO để cử các chuyên gia đầu ngành, các diễn giả tham dự và chia sẻ kinh nghiệm, bài học điển hình về khôi phục ngành Du lịch và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng đề xuất UNWTO tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật và chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ và điểm đến của Việt Nam.
Ông Harry Hwang cảm ơn sự tích cực của du lịch Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế, dự án và sáng kiến của UNWTO, góp phần đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho biết UNWTO sẽ tiếp tục các dự án hỗ trợ du lịch Việt Nam trong thời gian tới, thông qua các hoạt động hợp tác trực tiếp cũng như thông qua các cơ chế đa phương khác mà Việt Nam là thành viên như ASEAN. Ông khẳng định sau hai năm đại dịch, hiện nay là thời điểm quan trọng để Việt Nam tái khởi động ngành Du lịch, đặc biệt cần chú trọng công tác xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến hướng tới các thị trường nguồn như Đông Bắc Á.
Cũng tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và ông Harry Hwang đã sơ bộ trao đổi về nội dung Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến được Việt Nam tổ chức trong tháng 1.2023.
Phiên họp Liên Uỷ ban Đông Á- Thái Bình Dương và Uỷ ban Nam Á của UNWTO lần thứ 34
Trước đó, tại Phiên họp Liên Uỷ ban Đông Á- Thái Bình Dương và Uỷ ban Nam Á của UNWTO lần thứ 34, các nhà lãnh đạo du lịch từ khắp châu Á- Thái Bình Dương đã đặt việc xây dựng khả năng phục hồi và đón nhận sự đổi mới là trọng tâm của quá trình tái khởi động và tương lai bền vững của ngành.
Các hội nghị của UNWTO được tổ chức khi các điểm đến trong khu vực bắt đầu chào đón khách du lịch quốc tế trở lại. Khu vực này bị ảnh hưởng đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của đại dịch đối với du lịch. Nhiều quốc gia đã phải duy trì các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc đi lại. Hiện tại, khi dữ liệu của UNWTO xác nhận lượng khách quốc tế tăng 64% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với năm 2021, cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo ngành đã xác định những thách thức và cơ hội chính ở phía trước.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về xu hướng và số liệu thống kê du lịch, cho cả khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó là kế hoạch của UNWTO để đẩy mạnh hồi phục và phát triển du lịch bền vững. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau để dỡ bỏ các hạn chế đi lại, với “chìa khóa” phối hợp để khởi động lại du lịch và khôi phục niềm tin trong du lịch quốc tế. “Đối với nhiều triệu người trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, du lịch là một cứu cánh thiết yếu. Sự trở lại của nó là rất quan trọng và phải dựa trên các trụ cột là hòa nhập và bền vững, vì lợi ích của tất cả mọi người”, ông nói.
Hội nghị Bàn tròn cấp Bộ trưởng, Trưởng đoàn quốc gia thành viên UNWTO và tổ chức quốc tế
Hội nghị Bàn tròn cấp Bộ trưởng, Trưởng đoàn quốc gia thành viên UNWTO và tổ chức quốc tế về Khả năng phục hồi du lịch thông qua đổi mới và số hóa ở Châu Á- Thái Bình Dương. Nhận thức được những điểm dễ bị tổn thương do đại dịch gây ra, cuộc thảo luận đã thảo luận những cách thức mà công nghệ mới và ý tưởng mới có thể giúp bảo vệ du lịch tốt hơn trước những cú sốc bao gồm đại dịch trong tương lai cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Nhiều ý kiến chia sẻ đa dạng từ các ngành Du lịch có mức độ phát triển khác biệt như: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Maldives, Timor Leste…
Đối với Nhật Bản, đại dịch Covid-19 là một cơ hội để Chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm và có thể kiểm soát được sự “quá tải”. Là một đất nước có công nghệ phát triển, trong bối cảnh đại dịch, Nhật Bản đã ứng dụng các hệ thống nhận diện gương mặt cho khách làm thủ tục xuất nhập cảnh để hạn chế tiếp xúc và tăng cường bảo mật thông tin, đồng thời khuyến khích mở rộng các hoạt động nhận- trả phòng khách sạn tự động, gọi món tự động tại nhà hàng.
Trong khi đó Timor Leste với nền công nghệ chưa phát triển lựa chọn cách học tập kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế với các nước phát triển để thúc đẩy chuyển đổi số. Indonesia thì nhấn mạnh việc dự báo và nâng cao năng lực để các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai, bao gồm cả về chính trị, kinh tế, thiên tai…
Chia sẻ về sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình mở cửa du lịch, Malaysia nhận định việc thành lập cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành thiết yếu liên quan. Việc đảm bảo truyền thông kịp thời, hiệu quả tới các doanh nghiệp, người lao động, cộng đồng du lịch là yếu tố cần thiết để nhận được sự ủng hộ, đồng lòng khi xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi ngành Du lịch. UNWTO với vai trò tổ chức điều phối hoạt động du lịch quốc tế đã tăng cường hợp tác với các tổ chức liên quan như: Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, các văn phòng khu vực cũng như tất cả quốc gia thành viên để nắm bắt tình hình cập nhật nhất về đại dịch và đưa ra các dự báo, chính sách ứng phó và ưu tiên phù hợp với từng giai đoạn.
TỐ LINH- NGHIÊM HÙNG (từ Maldives)