Vùng duyên hải Miền Trung là một cực tăng trưởng khách mới
Mô hình giá trị liên kết trong trạng thái bình thường mới
Ở góc độ các doanh nghiệp đang khai thác khách du lịch đến vùng Duyên hải Miền Trung như chúng tôi thì khách hàng chính là nguồn khách đến tham quan du lịch; nhà cung cấp là các đơn vị cung ứng dịch vụ trong khu vực; các công ty cùng khai thác khách đến khu vực này sẽ là người bổ trợ khi cùng nhau xác định sản phẩm, thị trường và chia sẻ nguồn lực để triển khai hoạt động xúc tiến, và sẽ là đối thủ canh tranh khi nguồn khách đã chọn vùng Duyên hải Miền Trung là điểm đến du lịch.
Mô hình giá trị có ý nghĩa trong bối cảnh các địa phương khu vực Duyên hải Miền Trung đang nỗ lực phục hồi ngành Du lịch. Covid-19 đặt cộng đồng doanh nghiệp đứng trước những khó khăn thách thức chưa từng có: Nguồn khách gần như về 0, chuỗi cung ứng đứt gãy, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển xuống cấp, lao động ngừng việc, thất nghiệp, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, phá sản… Liên kết các địa phương trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù, phối hợp vào các tuyến sản phẩm mới, tái cơ cấu nguồn khách cho phù hợp với trạng thái bình thường mới và phối hợp các nguồn lực cho hoạt động xúc tiến là những nội dung cấp bách giúp giải cứu doanh nghiệp, người lao động.
Quá trình phục hồi sau Covid-19 với nguồn lực ít ỏi từ phía cộng đồng doanh nghiệp sẽ làm gia tăng vai trò định hướng, quản lý, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ của Nhà nước, và như vậy việc ứng dụng mạng giá trị trong mô hình hợp tác công tư càng trở nên rõ nét hơn.
Liên kết trong xác định các thị trường khách trọng điểm
Mỗi địa phương trong khu vực đều đã có những nghiên cứu để xác định nguồn khách tiềm năng dựa trên đặc điểm và lợi thế của mình, sau đó sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến. Để có thể tăng cường khả năng hợp tác hướng đến các thị trường chung, sản phẩm chung và chia sẻ nguồn lực xúc tiến thì tất yếu các địa phương phải liên kết với nhau trong xác định các thị trường khách trọng điểm.
Nguồn khách trong nước hiện nay có thể coi là nguồn khách cơ bản nhất đến với vùng duyên hải Miền Trung, tập trung vào 3 khu vực chính: Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, khách nội vùng và các tỉnh Tây Nguyên.
Với mức độ phù hợp ngày càng cao của điểm đến, đặc biệt là khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam - Thừa Thiên Huế, Bình Định - Phú Yên và Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận, nguồn khách trong nước sẽ phát triển hết sức sôi động, trên cả các nguồn khách du lịch thuần túy, du lịch MICE, du lịch theo chủ đề... và bằng cả đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Nguồn khách này tập trung cao điểm vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9 và thấp điểm vào mùa đông từ tháng 10 đến tháng 12. Chính vì vậy, các nỗ lực xúc tiến phải làm sao hạn chế được tính mùa vụ này.
Nguồn khách quốc tế đến bằng các đường bay trực tiếp: Đây là nguồn khách cơ bản cho việc phát triển bền vững các nguồn khách quốc tế cũng như là một trong những giải pháp chính hạn chế tính mùa vụ của vùng duyên hải Miền Trung. Chủ yếu tập trung vào sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Phù Cát, sau đó mở rộng chương trình tham quan ra toàn vùng.
Với các đường bay quốc tế hiện tại và khả năng phát triển đường bay trong tương lai, có thể xác định các thị trường khách quốc tế bay trực tiếp đến khu vực duyên hải Miền Trung bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản; Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan; Nga và một số nước Tây Âu, Bắc Âu; các nước Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines); thị trường Nam Á và một số thị trường khác.
Nguồn khách quốc tế đến bằng các đường bay nội địa: Đây vẫn là nguồn khách quan trọng trong cơ cấu nguồn khách đến vùng duyên hải Miền Trung và Tây nguyên, chủ yếu tập trung ở khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Nha Trang, Mũi Né. Nguồn khách này thường là tham gia các chương trình dài ngày, đến cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Chủ yếu tập trung vào một số quốc tịch: thị trường Tây Âu: Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Úc, NewZeland, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia...
Nguồn khách đến bằng đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế cũng là nguồn khách cơ bản và có khả năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, khi có 1 ASEAN thống nhất và hệ thống đường bộ cao tốc giữa các nước được hình thành một cách đồng bộ, các sản phẩm liên tuyến, liên quốc gia được hình thành một cách phổ biến nối vùng duyên hải Miền Trung với Hành lang Đông Tây và tuyến đường xuyên Á qua các cửa khẩu Đắc Ốc (Quảng Nam), Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai), Lao Bảo (Quảng Trị), cho cả 2 loại hình là khách sử dụng xe của các công ty du lịch và khách sử dụng xe tự lái (Caravan).
Nguồn khách đến bằng tàu biển cũng là nguồn lớn, mỗi năm, vùng duyên hải Miền Trung đón gần 300 chuyến tàu biển du lịch đến các cảng Chân Mây (Thừa thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng) và Nha Trang (Khánh Hòa). Nguồn khách này đang có xu hướng tăng rất nhanh khi mà các hãng tàu biển lớn đang hướng sự quan tâm đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nguồn khách tham gia các chương trình du lịch tàu biển ngày càng đa dạng.
Nguồn khách đến bằng đường bộ, tàu hỏa nội địa chiếm tỉ trọng không quá lớn, chỉ tập trung vào thị trường khách thu nhập trung bình và thấp, nguồn khách du lịch ba lô, chủ yếu tập trung ở thị trường khách Tây Âu, Úc...
Liên kết trong xây dựng các sản phẩm chung được xác định qua phân tích những thiếu hụt và đề xuất các biện pháp khắc phục để sản phẩm có thể được khai thác một cách bền vững. Trong đó, nhóm Con đường di sản kết nối với Tây Nguyên (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên); nhóm Con đường sinh thái và du lịch cộng đồng là sự kết nối các tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng cư dân bản địa của vùng duyên hải Miền Trung với Đại ngàn Tây nguyên.
Liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến
Việc liên kết giữa các địa phương trong hoạt động quảng bá xúc tiến có lẽ là hoạt động có ý nghĩa nhất khi đã xác định được các sản phẩm chung và các địa phương có thể phối hợp các nguồn lực riêng lẻ thành nguồn lực xúc tiến chung cho cả khu vực. Theo chúng tôi, hình thức quảng bá, xúc tiến và các thị trường, sự kiện tương ứng cần đổi mới và thực hiện thông qua các hội chợ du lịch như: tại Việt Nam (VITM, ITE và các hội chợ tại các địa phương); Đông Nam Á (ATF, TTM, MATTA, NATAS, ITB Aisa, TTC); Đông Bắc Á (JATA, KOFA, CITM, ITE Hongkong); châu Âu (ITB, WTM, MITT); hội chợ du lịch tàu biển Miami. Tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ…; Trung quốc, Hàn quốc, Nhật Bản, Nga, Thái Lan, Malaysia, Singapore…; mời các đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường trọng điểm đến khảo sát và đưa tin về điểm đến.
Quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm đặc thù của vùng Duyên hải Miền Trung trên các phương tiện truyền thông đại chúng nước ngoài (báo chí, truyền hình), qua các văn phòng đại diện, các cơ quan ngoại giao, các website giới thiệu điểm đến.
Tổ chức các sự kiện chuyên đề để giới thiệu điểm đến: Festival Huế, Festival di sản Hội An, Cuộc thi pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng, Festival biển Nha Trang, Mũi Né...
Luân phiên tổ chức hội chợ du lịch chuyên đề tại vùng duyên hải Miền Trung.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành
Cộng đồng doanh nghiệp miền Trung mong mỏi Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, tránh đóng cửa, giải thể, phá sản; duy trì hoạt động và từng bước phục hồi để có nguồn lực tham gia vào các hoạt động liên kết tạo sản phẩm, thu hút khách. Bên cạnh đó, quan tâm quy hoạch, đầu tư vào các dự án trọng điểm, tạo động lực, tạo sức lan tỏa toàn vùng, đặt biệt là các dự án về hạ tầng giao thông như: Sân bay, cảng biển, hệ thống đường bộ cao tốc…
Đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch xác định vùng duyên hải Miền Trung là một cực tăng trưởng khách mới để phân bổ thêm nhiều nguồn lực xúc tiến. Nên hình thành các bộ phận chuyên trách xúc tiến vùng để có thể dễ dàng chủ trì và phối hợp nguồn lực của các địa phương trong việc tạo sản phẩm chung, định vị nguồn khách và triển khai các hoạt động xúc tiến vào các thị trường chính. Tổng cục Du lịch chủ trì các hoạt động xúc tiến mang tầm quốc gia tại các sự kiện, hội chợ du lịch, tổ chức các đoàn khảo sát từ các thị trường lớn, trong đó có giới thiệu các sản phẩm du lịch của vùng duyên hải Miền Trung, có các doanh nghiệp Miền Trung tham gia. Hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức các hội chợ, hội nghị, hội thảo chuyên đề.
Đề nghị các địa phương vùng duyên hải Miền Trung tiếp tục kích hoạt cơ chế hợp tác vùng đã hình thành trước đây, lấy liên kết phát triển du lịch làm trọng tâm cho các hoạt động phối hợp; huy động thêm nhiều nguồn lực, quan tâm và đầu tư thích đáng cho hoạt động xúc tiến du lịch địa phương, tạo ra các liên kết vùng để phối hợp sản phẩm và triển khai các hoạt động xúc tiến; có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, các doanh nghiệp trong công tác quảng bá thu hút khách và giới thiệu điểm đến, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ cho các đường bay quốc tế trực tiếp.
Cộng đồng doanh nghiệp rất cần vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, các hãng hàng không, các công ty lữ hành. Với tình hình hiện nay, khó có thể để thị trường phục hồi một cách tự phát mà cần vai trò định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp để nhanh chóng chào bán các gói sản phẩm hấp dẫn, tạo ra các luồng khách cả trong và ngoài nước quay lại địa phương một cách chủ động, vừa giúp phục hồi nguồn khách vừa đảm bảo an toàn chống dịch. Bên cạnh đó, trong dài hạn, cần triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch vùng.
Đề nghị các hãng hàng không tiếp tục giới thiệu hình ảnh vùng duyên hải Miền Trung tại các Văn phòng trên khắp thế giới. Hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp khu vực này tham gia vào các hội chợ du lịch quốc tế, mời các đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường tiềm năng để giới thiệu điểm đến. Phối hợp với các doanh nghiệp địa phương trong việc tạo ra các chương trình kích cầu thu hút khách hàng
Các công ty lữ hành tích cực tham gia vào các chương trình xúc tiến của Tổng cục du lịch cũng như của địa phương. Kết nối các đơn vị liên quan trong các chương trình xúc tiến điểm đến cũng như cụ thể hóa các sản phẩm chung, sản phẩm kích cầu giới thiệu đến khách hàng. Thông qua các đối tác lữ hành nước ngoài để chuyển các thông tin về khu vực này đến các khách hàng tiềm năng.
Hệ thống cung ứng dịch vụ chủ động đề xuất và tham gia vào các chương trình xúc tiến điểm đến dưới nhiều hình thức. Hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xúc tiến. Hình thành các nhóm marketing điểm đến để phối hợp các nguồn lực thu hút khách từ các thi trường chính, các thị trường khách phù hợp với đặc điểm địa phương. Hỗ trợ cho việc mở đường bay trực tiếp, đón tiếp các đoàn khảo sát...
CAO TRÍ DŨNG
(Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng)