A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

WB cảnh báo: Du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển

VHO- Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo bán thường niên "Điểm lại", cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, WB dành hẳn chuyên đề đặc biệt về Phát triển du lịch tại Việt Nam: Nhìn lại từ điểm tới hạn- xu hướng, thách thức và ưu tiên chính sách cho ngành Du lịch.

Quá tải ở một số điểm đến có thể gây bất lợi về xã hội, môi trường

Các chuyên gia WB nhận định đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại kể từ đầu năm, nhưng triển vọng vẫn tích cực. Trong đó, ngành dịch vụ đạt kết quả tốt, dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững. Tỷ lệ nợ trên GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 58,4% năm 2018.

Tăng trưởng gần đây giảm tốc là do tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Tăng trưởng GDP trong những tháng đầu năm 2019 theo giá so sánh được dự báo sẽ giảm còn 6,8% (giảm đáng kể so với 7,5% quý I năm 2018 và 7,1% trong cả năm 2018) do sức cầu bên ngoài yếu đi và do tác động từ chính sách tài khóa, tín dụng thắt chặt. Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%. WB dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong 2020 và 2021.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2019 ước tăng 6,76%, trong đó quý II tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua.

Phát triển “nóng” sẽ gây tổn hại đến những giá trị hấp dẫn du khách

Chuyên đề đặc biệt của WB đi sâu phân tích tình hình phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, ngành xuất khẩu dịch vụ lớn nhất của quốc gia, đóng góp đến 8% GDP trong năm 2017.

WB nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn bùng phát về du lịch trong suốt thập kỷ qua, trở thành một trong những điểm đến mới nổi hàng đầu ở Đông Nam Á. Quốc gia này đã thành công trong việc tận dụng giao lưu du lịch trong khu vực và trên toàn cầu để chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ cạnh tranh ở Đông Nam Á, đạt tăng trưởng kỷ lục cả về lượt khách quốc tế và nội địa trong 3 năm qua. Số lượt khách nước ngoài đến với Việt Nam năm 2018 đạt trên 15 triệu lượt, so với chỉ tiêu 4 triệu ở thập kỷ trước; 80 triệu lượt khách nội địa, con số tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua.

Trong khi đó, nhu cầu lữ hành và du lịch trên toàn cầu đang bùng nổ, đặc biệt khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc lớn mạnh, tạo ra những cơ hội kinh tế lớn cho các điểm đến du lịch ở Đông Nam Á. Trên toàn thế giới, nhu cầu du lịch được dự báo sẽ tăng trưởng xấp xỉ 4% mỗi năm trong thập kỷ tới (2019- 2029), cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến.

Nhu cầu lữ hành và du lịch trên toàn cầu đang bùng nổ là cơ hội cho các điểm đến ở Đông Nam Á

Những điểm du lịch ở Đông Nam Á là nơi được hưởng lợi chính từ nhu cầu mạnh mẽ này, đón được 130 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018 (bằng 9,3% tổng lượt khách quốc tế trên toàn cầu. Thị phần của khu vực tính theo nhu cầu du lịch toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng, lên tới 10,4% vào năm 2030 (tương đương đón 187 triệu lượt khách). Nhu cầu du lịch nước ngoài của Trung Quốc vô cùng lớn, với số lượt khách tìm đến các quốc gia Đông Nam có tốc độ bình quân hàng năm là 21,7% từ năm 2011- 2017 (đạt 25,3 triệu lượt) và dự kiến sẽ tăng lên đến 35 triệu lượt vào năm 2025.

Du lịch có đóng góp lớn cho GDP và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam

Ở Việt Nam, chi tiêu của du khách đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, bao gồm cả các địa phương và nhóm dân số tương đối nghèo. Chính vì vậy, duy trì tăng trưởng của ngành này được Chính phủ xem là ưu tiên chiến lược và là yếu tố quan trọng đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Mặc dù vậy, tăng trưởng mạnh mẽ khiến cho ngành này đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển và đang gặp rủi ro bị trượt xuống quỹ đạo dẫn đến khai thác quá mức và gây tổn hại đến những tài sản hấp dẫn du khách ban đầu. Nghĩa là nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt, có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường.

Việt Nam cần tập trung vào những phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh

Số lượt du khách tăng nhanh là do chuyển dịch sang nhóm du khách chi tiêu thấp hơn, do tiếp tục chú trọng vào các sản phẩm du lịch ở thị trường đại chúng và tăng tập trung du khách vào các điểm đến quen thuộc hiện đã quá tải. Điều đó khiến cho Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương về năng lực kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ngành Du lịch và bền vững môi trường.

Việt Nam cần tập trung vào những phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh

Nếu không quan tâm, mô hình tăng trưởng kiểu đó sẽ gây rủi ro là tác động kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn với quan niệm rằng du lịch không đem lại đủ lợi ích.

Nhiều điểm đến du lịch trên toàn cầu đã đi qua ngưỡng bùng phát đó và hiện đang phải xử lý những hệ quả về kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu Việt Nam quyết tâm hành động ngay từ bây giờ, có thể phải tái định vị để ngành Du lịch đi theo lộ trình tăng trưởng bền vững hơn và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế bao trùm trong những thập kỷ tới.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tìm cách khai thác lợi thế từ du lịch và phải chấp nhận chia sẻ thị trường với các đối thủ cạnh tranh năng động trong khu vực. Với mong muốn khai thác lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng sổ vào khu vực, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang ưu tiên cho du lịch trong nghị trình phát triển kinh tế của họ, đặt ra những chỉ tiêu cao ngất về số lượt khách, hoạch định ra những chiến lược, kế hoạch đầu tư cho ngành.

Tăng cường kết nối chuỗi giá trị ở các địa phương là một trong các giải pháp cần được ưu tiên để phát triển du lịch bền vững

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách, Việt Nam phải có tư duy chiến lược theo hướng tập trung vào những phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh, tránh sự cám dỗ theo hướng ưu tiên số lượng khách cao hơn lợi ích kinh tế, đồng thời phải nhận thức được tác động của tăng trưởng du lịch về nhịp độ và cơ cấu để đảm bảo phát triển ngành bền vững, phát huy và bảo tồn những tài sản về văn hóa, thiên nhiên và môi trường.

Để đảm bảo bền vững dài hạn cho Du lịch Việt Nam, Báo cáo khuyến nghị cần phải có những lựa chọn chiến lược về nhịp độ và cơ cấu mong muốn, cân đối về tăng trưởng trong tương lai theo địa bàn, địa lý, với sự hỗ trợ của các biện pháp chính sách kiên quyết và đầu tư ở một số nội dung.

Trong đó, WB cho rằng ngành Du lịch nên tập trung vào các ưu tiên chính gồm: tăng cường phối hợp quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách; phát triển kỹ năng của lực lượng lao động ngành Du lịch; tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch ở địa phương; cải thiện về quản lý luồng khách; nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch, bảo vệ các tài sản văn hóa và môi trường.

Nếu được triển khai hiệu quả, các biện pháp kể trên và biện pháp khác có thể giúp Việt Nam tránh được số phận quá tải và suy thoái về môi trường, văn hóa và xã hội.

NGUYỄN ANH; ảnh: HOA QUỲNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...