Xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên và kích cầu du lịch năm 2020
Khảo sát sản phẩm du lịch tại Hưng Yên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ông Hà Văn Siêu; Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên Đoàn Văn Hòa cùng khoảng 150 đại biểu của 11 Sở quản lý du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch các địa phương, doanh nghiệp lữ hành và đại diện các cơ quan truyền thông đã tham dự hội nghị.
Từng được ví như một “Tiểu Tràng An” của Việt Nam với 23 phố, phường, thương cảng Phố Hiến, lớn nhất ở Đàng Ngoài thế kỷ 16- 17 đã khẳng định là một miền đất mang đậm trong mình những truyền thống văn hóa, văn hiến của đất nước. Dù không có tài nguyên rừng, biển nhưng Hưng Yên có rất nhiều tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch. Tỉnh này có số di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ 3 trong cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.802 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thái Lạc), 3 bảo vật quốc gia, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích, cụm di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Theo ông Đoàn Văn Hòa, những năm gần đây, lượng du khách đến Hưng Yên ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-15%. Chỉ tính riêng năm 2019, Hưng Yên đón khoảng 1 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 220 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh du lịch tại địa phương, từ đầu năm đến nay, khách sụt giảm mạnh. Lượng khách và doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2020 giảm trên 80% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động.
“Trong bối cảnh đó, Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên và kích cầu du lịch năm 2020 được tổ chức nhằm đánh giá lại các tiềm năng du lịch của tỉnh, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên hiện có; xác định và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong vùng; triển khai các nhiệm vụ kích cầu du lịch, góp phần khôi phục ngành du lịch Hưng Yên sau đại dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết.
Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch lần 2 của Bộ VHTTDL và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19.
Đại biểu góp ý về việc xây dựng sản phẩm, kích cầu du lịch ở Hưng Yên
Hiện tại, cơ cấu sản phẩm du lịch của Hưng Yên mới chủ yếu tập trung ở các loại hình du lịch như: du lịch tham quan di tích lịch sử văn hoá; du lịch lễ hội dân gian truyền thống; du lịch sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; du lịch văn hoá tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng… Và mới chỉ phục vụ chủ yếu là khách du lịch trong nước. Trong số hơn 1 triệu khách năm 2019, chỉ có trên 20.000 khách quốc tế.
Nhìn chung, du lịch Hưng Yên phát triển còn manh mún, chưa xứng với tiềm năng. Ví dụ như du lịch làng nghề là một trong những thế mạnh của Hưng Yên với các làng nghề truyền thống: tương Bần, đúc đồng Lộng Thượng, hương Cao Thôn, rượu Trương Xá, chạm bạc Phù Ủng, mây tre đan ở huyện Khoái Châu, nghề đan đó huyện Tiên Lữ, nghề dệt thảm, thêu ren ở huyện Phù Cừ, Kim Động, nghề trồng ấu ở Tiên Lữ, làng nghề bánh tẻ Phụng Công, làng trồng hoa cây cảnh ở Văn Giang, làng nghề dược liệu Nghĩa Trai ở Văn Lâm... nhưng do thiếu kinh nghiệm về quản lý và khai thác nên hiệu quả và sức hút của các làng nghề trên địa bàn chưa hấp dẫn. Người dân chưa thực sự tham gia và hưởng lợi từ du lịch làng nghề, mô hình OCOP (mỗi làng một sản phẩm) chưa thực hiện thành công.
Hưng Yên có hệ thống di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ 3 cả nước
Du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch tâm linh cũng vậy. Với một hệ thống di tích lịch sử, văn hóa lớn hàng đầu cả nước; vùng đất nổi danh với thiên tình sử Chử Đồng Tử- Tiên Dung, thương cảng cổ… nhưng Hưng Yên lại chưa khai thác được những giá trị độc đáo, nét đẹp truyền thống trong bề dày lịch sử văn hóa. Chưa hình thành những tour du lịch tâm linh, du lịch văn hóa- lịch sử điển hình của miền Bắc mà phải có Hưng Yên.
Bên cạnh đó, thông tin về du lịch Hưng Yên còn rất ít, đến các công ty lữ hành muốn tìm hiểu về du lịch Hưng Yên để xây dựng sản phẩm còn khó chứ không nói đến du khách.
Hưng Yên nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ thủ đô, rất gần Hà Nội- thị trường du lịch lớn hàng đầu cả nước. Nhưng gần quá mà không hấp dẫn cũng khó thu hút khách. Theo các doanh nghiệp du lịch, Hưng Yên nên tập trung khai thác du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, kết hợp du lịch: tâm linh, làng nghề, cộng đồng, khôi phục thương hiệu thương cảng Phố Hiến… Quan trọng là phải tăng cường thu hút đầu tư, hình thành những khu nghỉ dưỡng xứng tầm, trước mắt hình thành các khu homestay, bungalow, biệt thự gia đình… chứ với hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm…. vừa ít, vừa nghèo nàn như hiện nay, du lịch Hưng Yên rất khó bứt phá.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tại Hội nghị đã đánh giá cao việc lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đã quan tâm chỉ đạo việc đảm bảo an toàn tại các khu, điểm, hoạt động du lịch và hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch do Bộ VHTTDL phát động. “Mặc dù tài nguyên du lịch của Hưng Yên rất to lớn nhưng chưa được phát huy, khai thác hiệu quả, vì vậy địa phương cần tiếp tục quan tâm, có những chính sách tốt, thu hút các nhà đầu tư, người làm du lịch phát huy tiềm năng của địa phương. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết với các địa phương quảng bá, phát triển du lịch”, ông Hà Văn Siêu đề nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Đại diện các đơn vị ký cam kết hỗ trợ cung cấp thông tin và phát triển dịch vụ du lịch Hưng Yên
Trước đó, ngày 5.1, các đại biểu đã tiến hành khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại đền Đa Hòa, đền thờ Chử Đồng Tử và trang trại gà Đông Tảo (huyện Khoái Châu); đền Mây, đền Mẫu Đào Nương, tìm hiểu nghệ thuật hát ca trù và tham quan vườn cam (thành phố Hưng Yên).
*Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký cam kết hỗ trợ cung cấp thông tin và phát triển dịch vụ du lịch giữa Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên với đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Hiệp hội du lịch Hưng Yên, Trung tâm VHTTDL thành phố Hưng Yên và Công ty du lịch Dương Thảo.
THÚY HÀ- BẢO LINH; ảnh ANH VŨ