Dự án của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đáp ứng điều kiện để trình cấp có thẩm quyền
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, trên cơ sở tổng kết đánh giá những mặt được và hạn chế trong quá trình triển khai, thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2007, đồng thời tiếp thu cập nhật bổ sung những quy định mới để phù hợp với thực tiễn và các vản bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, Bộ VHTTDL, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực triển khai thực hiện xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật PCBLGĐ (Sửa đổi). Qua nhiều lần xin ý kiến các bộ, ban, ngành địa phương, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi). Thứ trưởng nhấn mạnh, cho tới thời điểm hiện nay, dự án đang tiến triển theo chiều hướng tích cực, Hội nghị là một bước trong quy trình xin ý kiến để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, dự án được trình sửa đổi dựa trên các nghị quyết của Chính phủ và được Chính phủ thông qua. Về quan điểm, xây dựng dự án luật dựa trên 4 quan điểm lớn: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình; Bảo đảm phù hợp với chủ trương, quand diểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và PCBLGĐ trong tình hình mới; Tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam; Kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh.
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý đã trình bày Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều. Thảo luận tại Hội nghị, đa số đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật PCBLGĐ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành luật này để hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Nhiều đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ theo quy định, đáp ứng đủ các điều kiện để trình Quốc hội. Theo gợi ý của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến tích cực cho các nội dung cơ bản đó là : Trao đổi bổ sung, đìeu chỉnh các nguyên tắc sao cho phù hợp với các quy định hiện hành; Thảo luận về các hành vi bạo lực gia đình trong đời sống thực tiễn; Quy định về việc hòa giải ở trong PCBLGĐ; Xử các hành vi và chế tài đối với BLGĐ; Tăng cường vai trò của các cơ quan, các ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ trong PCBLGĐ.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Hội nghị đã cung cấp các thông tin hữu ích về PCBLGĐ, đánh giáo cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong PCBLGĐ, vai trò của các cấp hội trong tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác PCBLGĐ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng các ý kiến tại Hội nghị đã đóng góp cho cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật những kiến thức, kinh nghiệm trong công tác PCBLGĐ trong tình hình mới. Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật và Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục nhận các ý kiến góp ý cho dự thảo luật để khi Dự án Luật bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến vào tháng 5.2022).
HIỀN LƯƠNG