A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp ý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Ngăn chặn bạo lực chứ không phải để "tan đàn xẻ nghé"

VHO- “Ai cũng thấy PCBLGĐ là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, nhiều việc riêng tư trong mối quan hệ gia đình và được điều chỉnh bởi các quy phạm đạo đức, phong tục tập quán, quy phạm pháp luật. Khác với các luật khác, Luật này có xử lý nhưng là để các thành viên đoàn tụ chứ không phải xử lý để đường ai nấy ra đi “.

 Toàn cảnh Hội nghị

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Ninh Bình.

Làm rõ vai trò của phụ nữ

Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) do Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đồng chủ trì.

Phó Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam Cao Thị Hồng Minh cho biết, để hướng dẫn các cấp Hội tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả, Hội đã ban hành “Quy định và hướng dẫn Hội LHPN các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”. Theo đó quy trình các cấp Hội tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gồm 5 bước: Tiếp nhận thông tin, Phân tích vụ việc, Trao đổi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, Phát ngôn, tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ trong từng vụ việc... Chính nhờ vào vai trò của Hội LHPN mà nhiều vụ việc đã được xử lý.

Về trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam (Điều 59), đại diện Hội LHPN Ninh Bình đề nghị nên quy định trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam với vai trò, trách nhiệm “phối hợp” thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình; cung cấp thông tin về PCBLGĐ cho Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Để công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới nói chung và hoạt động được hiệu quả hơn, Giám đốc Trung tâm phụ nữ và phát triển Dương Ngọc Linh cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ nạn nhân đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới và thân thiện; có chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng nạn nhân đáp ứng yếu tố khẩn cấp và bền vững; bổ sung các quy định cụ thể về công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ cho các cá nhân báo tin, ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân hoặc cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân…

Đại diện Hội Nông dân Việt Nam cho rằng PCBLGĐ không thể thành công nếu không có sự tham gia của nam giới. Công tác PCBLGĐ hiện nay còn nhiều khoảng trống như định kiến giới vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội; công tác tuyên truyền mới tập trung chủ yếu vào nữ giới vì cho rằng, phụ nữ thường là nạn nhân và cần được hỗ trợ, giúp đỡ… Chính vì vậy, Hội Nông dân đã chủ động thành lập các tổ chức thu hút nam giới, và trẻ em trai vào công cuộc đấu tranh với nạn bạo lực gia đình, trong đó vai trò của Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân là rất quan trọng.

 Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi BLGĐ

Dễ nói nhưng khó làm…

Nhiều đại biểu cho rằng cần tổ chức nghiên cứu thật kỹ một số vấn đề liên quan đến việc xác định hành vi bạo lực gia đình cũng như quy định về công tác tuyên truyền, tư vấn, hòa giải; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định mở để nhận diện rõ hơn những hành vi bạo lực gia đình mà trên thực tế chưa thể mô tả đầy đủ trong dự thảo; bổ sung mở rộng đối tượng bạo lực gia đình là người đã từng sống chung với nhau như: vợ chồng, từng có quan hệ nuôi dưỡng. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn hòa giải viên thuộc tổ hòa giải ở cơ sở về hòa giải bạo lực gia đình, cũng như quy định rõ phạm vi vụ việc bạo lực nào thì áp dụng nguyên tắc hòa giải.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình Lại Thị Thanh Tâm đề xuất: Cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện pháp luật về PCBLGĐ. Coi trọng công tác phòng ngừa BLGĐ và lấy phòng ngừa là chính. Góp ý vào dự thảo Luật, theo bà Tâm, về hành vi BLGĐ (Điều 4), Khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định 16 hành vi BLGĐ, trong đó có nhiều hành vi được quy định mới như hành vi xâm hại tình dục trẻ em, hành vi phát tán hình ảnh, tài liệu, thông tin riêng tư của thành viên gia đình; hành vi phân biệt giới tính, định kiến giới… Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định mở để nhận diện rõ hơn những hành vi bạo lực gia đình mà trên thực tế chưa thể mô tả đầy đủ trong dự thảo. Khoản 2, Điều 4 của dự thảo quy định phạm vi thực hiện hành vi bạo lực gia đình mở rộng đến cả những trường hợp đã ly hôn, trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng, người đã từng có mối quan hệ cha, mẹ, con nhưng cần bổ sung mở rộng đối tượng bạo lực gia đình là người đã từng sống chung với nhau như vợ chồng, từng có có quan hệ nuôi dưỡng ...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Hội nghị đã cung cấp các thông tin hữu ích về PCBLGĐ, đánh giá cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong công tác PCBLGĐ, vai trò của các cấp hội trong tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác PCBLGĐ. Các ý kiến tại Hội nghị đã góp ý cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật những kiến thức, kinh nghiệm về công tác PCBLGĐ trong tình hình mới. “Ai cũng thấy PCBLGĐ là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, nhiều việc riêng tư trong mối quan hệ gia đình và được điều chỉnh bởi các quy phạm đạo đức, phong tục tập quán, quy phạm pháp luật… Trong quá trình góp ý và xây dựng dự án Luật, nhiều người cho rằng việc xây dựng Luật này có cái khó là dễ nói nhưng khó làm. Khác với những luật khác về nguyên tắc vi phạm phải xử lý, Luật này có xử lý nhưng là để các thành viên đoàn tụ xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc hơn chứ không phải xử lý để đường ai nấy đi. Điều này thì không ai mong muốn cả”, bà Thúy chia sẻ. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục nhận các ý kiến góp ý để dự án Luật bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. 

 Sửa đổi để ứng phó kịp thời với vấn nạn bạo lực gia đình

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong PCBLGĐ, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Chính vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) đã tích cực triển khai thực hiện xây dựng và hoàn thiện để có thể ứng phó kịp thời với vấn nạn BLGĐ. Qua nhiều lần xin ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự án Luật. Cho tới thời điểm hiện nay, dự án Luật đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Hội nghị lần này đã khẳng định công tác PCBLGĐ có vai trò rất lớn từ các cơ quan, ngành ở địa phương, đặc biệt là những đối tượng phụ nữ.

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

THÚY HIỀN


Tags: Gia đình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt