Ấn tượng với dàn khủng long trong “Thế giới khủng long: Lãnh địa”
Lấy bối cảnh 4 năm sau các sự kiện của Jurassic World: Fallen Kingdom, Dominion chứng kiến loài người buộc phải chung sống với loài khủng long đã sinh sôi nảy nở kể từ khi chúng được đưa vào đất liền và thả tự do vào thế giới hoang dã. Để tăng độ hoành tráng cho phim, đội ngũ làm phim đã thiết kế và tạo ra tổng cộng 27 con khủng long khác nhau cho Thế giới khủng long: Lãnh địa. Trong đó, có 10 con khủng long chưa từng xuất hiện trong các phần phim trước của loạt Jurassic.
Các loài khủng long quen thuộc trở lại
Nhiều loài khủng long xuất hiện trong Thế giới khủng long: Lãnh địa là các loài nổi bật trong những phần phim Jurassic Park và Jurassic World trước đó. Đầu tiên phải kể đến loài khủng long móng vuốt Velociraptor xuất hiện trong mọi bộ phim, đóng vai trò quan trọng, vô cùng được khán giả yêu mến bởi sự thông minh, nhanh nhẹn. Thậm chí, một con khủng long thuộc loài này còn được đặt tên và trở thành linh vật cho loạt phim – Blue.
Blue & Beta
Trong Jurassic World, Blue đã mất đi tất cả những chị em của mình. Sang phần 2, cô khủng long này bị tước khỏi môi trường sống quen thuộc. Thế giới khủng long: Lãnh địa đánh dấu việc Blue làm mẹ. Giống như Owen, cả hai giờ đây đều chịu ràng buộc bởi trách nhiệm và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ thế hệ sau. Hình tượng bò sát ăn thịt đáng sợ nay được khắc họa dưới góc độ phức tạp hơn, đem lại cho khán giả phần nào cảm thông đối với sinh vật cổ đại này.
Khủng long nhí Beta chính là hình ảnh phản chiếu và là bản sao của mẹ Blue. Nhanh nhẹn và lanh lợi nhưng vẫn còn khá vụng về, Beta đã phải học cách săn mồi và sinh tồn trên những ngọn đồi ngập trong tuyết ở Sierra Nevad. Nơi nó vô tình tìm được một đồng minh mới, cô bé Maisie 13 tuổi đang được nuôi dạy bởi Owen Grady và Claire Dearing. Mặc dù mọi thứ có vẻ thật yên bình và tĩnh lặng, Beta nhanh chóng nhận ra rằng vùng đất này ngập tràn nguy hiểm khi nó trở thành mục tiêu của những kẻ săn bắt bất chính.
Khủng long bạo chúa T-Rex
Kể từ khi ra mắt, loạt Jurassic Park đã đóng vai trò không nhỏ trong việc lăng xê tiếng tăm cho loài này, khiến nó trở thành một trong những sinh vật khét tiếng nhất trên màn ảnh. Không gì có thể so sánh với khoảnh khắc mặt đất rung chuyển, các nhân vật cứng đờ vì sợ hãi khi một con T-Rex khổng lồ, đáng sợ tiến vào khung hình. Giờ đây, trong Jurassic World: Dominion, sinh vật khổng lồ này được tự do và có thể tấn công bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể thấy điều này trong đoạn giới thiệu chính thức, nơi T-Rex xuất hiện với tư cách là một vị khách không mời đại náo rạp chiếu phim ngoài trời.
Khủng long hai mào Dilophosaurus
Không được xuất hiện kể từ sau tập phim Jurassic Park đầu tiên, Dilophosaurus đã quay trở lại với mục tiêu báo thù trong Thế giới khủng long: Lãnh địa. Dilophosaurus là động vật chân đốt xuất hiện từ đầu kỷ Jura với cái tên có nghĩa là “thằn lằn mào kép”, ám chỉ chiếc mào đỏ rực rỡ ở trên đầu của nó. Phiên bản Dilophosaurus xuất hiện trong loạt Jurassic chỉ cao tương đương 1,2 mét. Tuy nhiên, kích thước khiêm tốn không đồng nghĩa với việc nó ít hung dữ hơn bất cứ con khủng long ăn thịt nào ở Thung lũng Biosyn. Dilophosaurus có vẻ như đang mỉm cười khi rình rập con mồi. Nhưng trong chớp mắt, nó có thể bật dậy và phun thứ nọc độc màu đen chết người về phía nạn nhân.
Loạt khủng long mới toanh ra mắt
Khủng long cổ dài Dreadnoughtust thuộc nhóm các loài khủng long khổng lồ, Dreadnoughtus thoạt nhìn có thể bị nhầm với khủng long cổ dài Apatosaurus. Xương của Dreadnoughtus mới chỉ được phát hiện trong đời thực vào năm 2005 và đây được coi là loài khủng long to lớn nhất từng được biết đến. Con khủng long khổng lồ với chiếc cổ dài này có thể nặng ngang với một chiếc máy bay Boeing 737. Thế giới khủng long: Lãnh địa sẽ đánh dấu sự ra mắt của những cỗ máy ăn cỏ siêu to khổng lồ này.
Thằn lằn bay Quetzalcoatlus
Được đặt tên theo vị Thần Rắn lông vũ của bộ lạc Aztec, Quetzalcoatlus sống ở cuối kỷ Phấn Trắng. Nó là một trong số những loài động vật biết bay có kích thước lớn nhất mọi thời đại. Với kích thước gần bằng một chiếc máy bay Cessna, thằn lằn bay Quetzalcoatlus có sải cánh lên tới 11 mét và trọng lượng cơ thể khoảng 180 kg. Loài vật khổng lồ này thống trị bầu trời ở Thung lũng Biosyn. Thằn lằn bay Quetzalcoatlus chưa từng xuất hiện trong loạt phim Công viên kỷ Jura trước đây.
“Kẻ trộm lửa” Pyroraptor
Pyroraptor – “kẻ trộm lửa” là tên của một loài khủng long có bộ lông màu đỏ tuyệt đẹp xuất hiện ở cuối kỷ Phấn Trắng. Là một loài động vật chân đốt nhỏ, giống chim với những móng vuốt cong mở rộng ở ngón thứ hai của mỗi bàn chân, Pryroraptor ước tính dài 2,5 mét và nặng khoảng 40 kg. Pyroraptor rình rập con mồi trên mọi địa hình và khí hậu khác nhau ở Thung lũng Biosyn. Từ khu rừng rậm rạp đến những ngọn núi phủ đầy tuyế. Những chuyển động tàng hình của nó cho phép kẻ săn mồi chết người này có khả năng săn mục tiêu ngay cả từ bên dưới làn nước băng giá của một hồ nước đóng băng.
Khủng long bạo chúa tí hon Moros Intrepidus và khủng long size XXL Gigantosaurus
Moros Intrepidus nhỏ bé là một loài khủng long có lông vũ giống như một con T-Rex nhưng kích cỡ tương đương một chú chó hiện nay. Hóa thạch của Moros Intrepidus mới chỉ được tìm thấy ngoài đời thực một vài năm trước.
Trong khi đó, Jurassic World: Dominion đồng thời cho ra mắt loài săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn Giganotosaurus, được mệnh danh “loài bò sát khổng lồ phương Nam”. Là động vật ăn thịt trên cạn lớn nhất từng được biết đến, với cơ thể to lớn hơn Tyrannosaurus rex, Giganotosaurus có thể nặng hơn 13,6 tấn, cao tới 13 mét. Kẻ săn mồi khổng lồ với lưng nhọn hoắt này là mối đe dọa đáng sợ nhất đối với bất cứ ai và bất cứ thứ gì ở Thung lung Biosyn, thậm chí là cả T-Rex. Đây chắc chắn sẽ là quái thú đáng sợ khiến người xem phải toát mồ hôi nín thở dõi theo trong Thế giới khủng long: Lãnh địa.
QUỲNH CHI