Cần có cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng chuyên gia trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng, có chiều sâu văn hóa đã được xây dựng thời gian gần đây
Là một trong những đơn vị xương sống của Bộ VHTTDL nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn hiện nay đang rất thiếu cán bộ chủ chốt, có chuyên môn, uy tín trong nghề. Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc, Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Cục Nghệ thuật biểu diễn được giao tới 27 chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và văn học; chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn và văn học trong cả nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bộ máy của Cục hiện nay đang thiếu rất nhiều nhân lực”.
NSƯT Đỗ Kỷ, Quyền trưởng phòng Nghệ thuật chia sẻ, khác với trước kia, phòng nghệ thuật của Cục là nơi hội tụ những anh tài, có uy tín trong nghề thì nay, những người có tiếng nói trong giới nghệ sỹ lại không tha thiết về Cục công tác, người tha thiết về lại không đủ uy tín và tiếng nói trong giới. Nên chăng, cần có một cơ chế riêng, đủ sức thu hút các nghệ sỹ, các chuyên gia trong lĩnh vực văn học, biểu diễn nghệ thuật toàn tâm toàn ý với nghề về làm việc cho Cục?
Báo cáo với Thứ trưởng về công tác chuyên môn, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các ngành nghề, đến toàn xã hội nhưng ngành Nghệ thuật biểu diễn có lẽ ảnh hưởng rõ ràng nhất. Toàn bộ các chương trình nghệ thuật, lễ hội bị huỷ, tạm dừng…, anh chị em nghệ sỹ và các đoàn nghệ thuật, các nhà hát vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã làm thay đổi xu hướng thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Do đó, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật cũng bắt buộc phải có những thay đổi mô hình, cách thức truyền đạt cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân, không thể bắt người dân xem những thứ mà mình có vì lúc này, quyền lựa chọn đã thuộc về người dân, về xã hội”.
Vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga do các nghệ sỹ Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn
Cục đã đề xuất với Bộ VHTTDL hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sỹ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các cuộc thi, liên hoan theo đúng chu kỳ như các cuộc thi về âm nhạc; thi độc tấu, hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020; thi tài năng diễn viên múa toàn quốc năm 2020; thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương/ tuồng/ ca kịch toàn quốc.... Việc tổ chức phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho thí sinh, ban tổ chức, ban giám khảo… Với những địa điểm tổ chức đã được xác định, nếu không đủ điều kiện sẽ điều chỉnh sang địa điểm khác. Cách thức tổ chức cũng được thay đổi để đảm bảo không tập trung đông người, cuộc thi, liên hoan chỉ có người dự thi và giám khảo, ban tổ chức, không có khán giả.
Để hệ thống pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phù hợp với thực tiễn; tạo khung pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian tới; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật Cục cũng đã tham mưu Bộ VHTTDL xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn và Thông tư hướng dẫn. Dự kiến tháng 9.2020 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong năm nay.
Các nhà hát, nghệ sỹ không ngừng cố gắng truyền tải các giá trị nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của khán giả
Đánh giá cao Cục Nghệ thuật biểu diễn trong thời gian qua đã nỗ lực trong việc phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của đất nước, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của người dân, quảng bá nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn, văn học nghệ thuật là lĩnh vực khó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thậm chí có những vấn đề phải báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để giải quyết.
Thứ trưởng đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn tính toán kỹ những vấn đề, lĩnh vực mà ngành quản lý tiền kiểm hay hậu kiểm hợp lý, hiệu quả hơn. Cục được xác định là đơn vị xương sống của Bộ và với tính chất đặc thù của ngành nên cần phải có cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng chuyên gia, những người có uy tín, có nghề, có sức ảnh hưởng với công chúng, xã hội. Việc thay đổi cần bắt đầu từ con người, làm sao để tiếp tục phát huy những giá trị văn học, nghệ thuật; nâng tầm các nhà hát, các đoàn nghệ thuật; khai thác tài năng của các nghệ sỹ; góp phần mang lại giá trị tinh thần vô giá cho công chúng, hướng đến cuộc sống chân- thiện- mỹ; thấu hiểu và cân bằng cuộc sống…
THÚY HÀ