Làm mới nhiều tác mỹ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng
TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và hai họa sĩ tham dự tọa đàm
Họa sĩ Nguyễn Trường Linh sinh năm 1971 tại Hà Nội, tốt nghiệp Thạc sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh sáng tác mỹ thuật, anh còn tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng VHNT Hà Nội. Nguyễn Trường Linh là một trong những gương mặt họa sĩ tiêu biểu của dòng tranh sơn mài truyền thống. Anh say mê và gặt hái nhiều thành công với chất liệu sơn ta. Các sáng tác của anh mang phong cách trừu tượng kết hợp dân gian, giàu hoài niệm nhưng có những sáng tạo mới mẻ, hiện đại và ấn tượng. Bên cạnh đề tài về văn hóa, lịch sử thì đề tài người lính và chiến tranh cách mạng cũng luôn là cảm hứng đối với anh. Bằng nỗ lực tìm tòi, khám phá, đến nay, họa sĩ Nguyễn Trường Linh đã giành được nhiều giải thưởng cao như : Giải A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài chiến tranh cách mạng (2014), Huy chương Vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (2010), Giải A Khu vực 1 Hội họa (2009), Giải Nhất Triển lãm 1000 năm Thăng Long (2009)...
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Long hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Chủ nhiệm CLB sáng tác đề tài bảo vệ tổ quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Luôn chắt chiu cho mình những khoảng thời gian quý giá để dành cho sáng tác, hiện Nguyễn Tuấn Long cũng là một trong số ít quân nhân đang còn công tác là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh từng giành nhiều giải thưởng cao trong sáng tác mỹ thuật như giải A tranh cổ động Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về “Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam –Lào -Campuchia”. Thấu hiểu đời sống bộ đội nên tranh của họa sĩ Tuấn Long rất mạnh về miêu tả những nhân vật đầy chất lính với một phong cách riêng, từ đó làm nổi bật hình tượng người chiến sĩ hôm nay qua loạt tranh: “Lính biển”, “Đồng đội”, “Lời người lính biển”, “Mục tiêu và người lính”…
Họa sĩ Nguyễn Trường Linh (áo trắng) chia sẻ về quan điểm sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng
Chiến tranh đã qua đi và lớp thế hệ họa sĩ, chiến sĩ không còn nhiều, thế nhưng đề tài về hình ảnh người chiến sĩ với những chiến công, những hi sinh, mất mát vẫn luôn là chủ đề đau đáu của nhiều họa sĩ hôm nay. Tại tọa đàm, người nghe được lắng nghe chia sẻ những câu chuyện xúc động, những tâm sự và thông điệp ẩn sau hai tác phẩm được trưng bày tại triển lãm: tác phẩm Đối mặt của họa sĩ Nguyễn Tuấn Long và Rừng cười của họa sĩ Nguyễn Trường Linh.
“Tôi sáng tác Rừng cười như một lời tri ân sâu sắc nhất dành cho những nữ chiến sĩ Thanh niên xung phong đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những kho lương thảo, những tuyến đường giao liên khói lửa. Ẩn sau những nét vẽ là những cảm xúc về một thời không thể nào quên trong lịch sử dân tộc...”, họa sĩ Nguyễn Trường Linh chia sẻ về tác phẩm Rừng cười.
Hai tác giả cùng bộc bạch những cảm xúc khi sáng tác về đề tài người chiến sĩ, chiến tranh cách mạng. Theo họa sĩ Tuấn Long: “Dù chiến tranh đã xa nhưng đó luôn là một ký ức còn mãi trong lịch sử dân tộc. Đề tài chiến tranh cách mạng tuy khó, song đó cũng mãi là nguồn cảm hứng bất tận và rất cần được các họa sĩ nỗ lực để làm mới, tạo sức hấp dẫn. Các họa sĩ cũng cần trả lời cho được câu hỏi: điều gì làm nên sức bền, sức sống của đề tài này? Trong lịch sử mỹ thuật hiện đại thì chiến tranh cách mạng là một mảng đề tài lớn, đã có nhiều họa sĩ thành danh, đạt các Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh ...”, theo họa sĩ Nguyễn Tuấn Long.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Long giao lưu với khách mời tại tọa đàm
Thừa nhận việc cần thiết phải tự làm mới chính mình qua từng tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho rằng, thế hệ họa sĩ hôm nay phải nỗ lực để không lặp lại con đường mà các thế hệ họa sĩ đi trước đã khai thác và thành công với đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Họa sĩ Trường Linh tự chọn cho mình cách làm mới bằng những sáng tác khai thác chủ đề về đời sống chiến sĩ hôm nay. “Những khai thác mới chính là cách để các họa sĩ không bị lặp lại lối mòn trên con đường sáng tác về một chủ đề sống mãi với thời gian...”, họa sĩ Nguyễn Trường Linh bày tỏ.
Với Nguyễn Tuấn Long, để trở thành họa sĩ sở trường gắn với đề tài chiến tranh cách mạng, mỗi tác giả phải tự nuôi dưỡng tình yêu, đam mê thực sự để lăn lộn và khai thác đến tận cùng đề tài.
Triển lãm Còn mãi với thời gian giới thiệu 69 tác phẩm mỹ thuật, thể hiện những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng, những dân quân, y sĩ, bác sĩ và rất nhiều những tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Dưới góc nhìn của người nghệ sĩ - chiến sĩ, triển lãm Còn mãi với thời gian là sự bày tỏ quan điểm trân trọng hòa bình, nhớ ơn những người đã anh dũng hy sinh để mang đến cuộc sống bình yên, tươi đẹp cho chúng ta ngày hôm nay. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta tri ân tới những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia kháng chiến, đã anh dũng hy sinh hay vẫn còn mang trên mình vết thương do chiến tranh để lại.
HÀ PHƯƠNG