Triển lãm Art in the forest 2019: Nửa thập kỉ kiến tạo nghệ thuật
Không chỉ trưng bày nhiều tác phẩm ấn tượng, triển lãm lần này còn đánh dấu hành trình nửa thập kỉ kiến tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, cũng là chặng đường khó khăn nhưng đầy tâm huyết, đam mê và tự hào của những người yêu nghệ thuật.
Với chủ đề “Hội hoạ sơn mài và điêu khắc quốc tế”, chương trình “Không gian nghệ thuật Flamingo - Art In The Forest 2019” có sự góp mặt của 10 họa sĩ, 7 nhà điêu khắc trong nước và thế giới như: nhà điêu khắc Ariel Moscovici, nhà điêu khắc Floyd Elzinga, nghệ sĩ Sha Sha Higby, nghệ sĩ Nobuyuki Takana… cùng những gương mặt quen thuộc của các mùa triển lãm trước như nghệ sĩ Nhật Bản Mukhai Katsumi, nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương...
Nằm giữa không gian xanh tự nhiên của núi rừng Đại Lải, sự hội ngộ của 68 tác phẩm chấm phá lên bức tranh mùa thu những sắc màu độc đáo. Mỗi tác phẩm là một ý tưởng, một phong cách khác nhau nhưng đều là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và ẩn chứa trong đó những câu chuyện rất riêng.
Mang theo trăn trở về vẻ đẹp và sự không hoàn hảo, nhà điêu khắc Tây Ban Nha Daniel Pérez trải lòng bằng tác phẩm 3D Mảnh vỡ thế kỷ XXI, trong khi đó nhà điêu khắc Yongsan Jang đến từ Hàn Quốc lại khắc họa hành trình kiên định tìm kiếm bản chất của sự sống, ánh sáng, sinh và tử thông qua lăng kính tác phẩm Phân tử 190916. Với Không gian ở giữa II, Ariel Moscovici- nhà điêu khắc người Pháp đặt ra câu hỏi về nguồn cội, gửi gắm năng lượng và niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn. Tác phẩm “Tiềm tàng” của Floyd Elzinga lại hiện thực hóa linh hồn núi rừng Đại Lải bằng hình ảnh quả thông như một biểu tượng cho sự hồi sinh và bất tử.
Trong khi đó, quyết liệt và dữ dội nhưng không kém phần uyển chuyển, giàu cảm xúc là tác phẩm điêu khắc Thuộc về biển của Lê Lạng Lương, thể hiện những cảm nhận đa chiều của mình về biển khơi. Cùng chủ đề về thiên nhiên, nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại lại có tác phẩm “Màu của gió” khắc họa những hình tượng mang tính trừu tượng về nguồn cội hạnh phúc...
Bên cạnh điêu khắc, hội họa sơn mài cũng có những câu chuyện của mình. Họa sĩ Jang Jin-su thể hiện triết lý về nhân sinh qua hình ảnh vươn lên của cây xanh trong các tác phẩm của mình. Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, Nguyễn Trần Cường lại chiêm nghiệm trong tranh về những kết nối của vạn vật qua sự sâu lắng của chất sơn ta, trong khi cũng bàn về sự sống, họa sĩ Nobuyuki Tanaka và Lý Trực Sơn khơi gợi những miền ký ức, tự ngẫm về bản thể qua các bức sơn mài đầy huyền ảo....
Sau 5 mùa sáng tác và triển lãm, dự án nghệ thuật mang tên Art In The Forest của Tập đoàn Flamingo hoạt động từ năm 2015 đến nay, đã tạo nên một bảo tàng nghệ thuật hội họa đương đại và một công viên điêu khắc ngoài trời độc đáo giữa rừng thông Đại Lải. Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, một trong những người sáng lập và điều hành dự án cho biết: “Những tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm hôm nay và qua các mùa giải Art In The Forest trước là sự gom góp cho một không gian nghệ thuật rộng lớn của tương lai, để tinh thần nghệ thuật, trách nhiệm với nghệ thuật sẽ không ngừng lan tỏa. Mong muốn của chúng tôi là đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, xây dựng Flamingo Đại Lải Resort trở thành một điểm đến về văn hoá, một địa chỉ mang tính giáo dục về thẩm mỹ dành cho bây giờ và cho mai sau”.
TRÀ MY