Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”- những mối tình đi cùng năm tháng
Ngày 22.7, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính”, Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”.
Tham dự sự kiện có ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục di sản, Bộ VHTTDL; PGS. TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, các chị nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam; Ban quản trị Câu lạc bộ Trái tim người lính cùng Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn.
Tình yêu trọn nghĩa tình giữa bom đạn, xa cách của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn
Mỗi câu chuyện trong triển lãm hay hiện vật được trao tặng đều mang trong mình kỷ niệm và hồi tưởng cá nhân về một thời hoa lửa một lần nữa lại ùa về. Trong đó có tình yêu của nhạc sĩ Trần Hoàn – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin là một nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước với bà Thanh Hồng - người con gái xinh đẹp và giỏi giang đất Nghệ An. Từ nhỏ, bà đã tham gia cách mạng và hoạt động trong Hội phụ nữ, sau này bà chuyển sang ngành giáo dục. Họ gặp nhau và trở thành vợ chồng vào năm 1950 nhưng cũng như bao cặp vợ chồng trí thức thời chiến tranh họ luôn luôn trong hoàn cảnh xa cách. Phải đến sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gia đình mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình. Tình yêu đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều động lực trong công tác và là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bản nhạc nổi tiếng trong đó đặc biệt là bài “Lời người ra đi”.
Khách tham quan Triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh"
Còn câu chuyện tình yêu của vợ chồng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam được bắt đầu bằng “lá thư định mệnh” khi nhà văn được giao nhiệm vụ thay mặt đơn vị trả lời thư của một cô gái xinh đẹp. Năm đó là năm 1948, bà Thanh Hương là cán bộ phụ nữ trẻ của Liên khu IV tới Tiểu đoàn ông Nam để diễn thuyết, động viên bộ đội chiến đấu ngoài mặt trận, thi đua với hậu phương. Với gương mặt tròn, nước da trắng, đôi mắt sáng và tóc xõa ngang vai, nghiêng đầu duyên dáng, cùng với cách nói nhanh và hấp dẫn nên đã thu hút được sự chú ý của tất cả các chàng trai trong đơn vị, trong đó có chàng trai tên Tú Nam quê ở Nam Định. Khi Tiểu đoàn của ông Nam rời Thanh Hóa ra đến khu 3, đơn vị nhận được thư của một cô gái ký tên là Phương Thùy gửi theo động viên, nhắc lại chuyện thi đua. Ông Nam được anh em giao cho nhiệm vụ thay mặt đơn vị viết thư trả lời. Bắt đầu từ đó có những lá thư đi thư lại giữa người con gái ký tên Phương Thùy và ông Nam (ký tên Then). Năm 1949 khi đơn vị của ông Nam xong nhiệm vụ ở khu 3 trở về Thanh Hóa cũng là lúc ông biết và gặp được Phương Thùy, đó chính là Thanh Hương, người con gái đăng đàn diễn thuyết hôm nào. Hai ông bà trở nên thân thiết từ đó. Năm 1950 bà Hương được điều ra Việt Bắc công tác, tháng 6 năm 1950 ông Nam cũng ra Việt Bắc làm báo Quân đội nhân dân. Thời gian này ông bà có cơ hội gặp nhau ở một số chiến dịch. Từ 1950 những lá thư hai người viết cho nhau cũng nhiều lên và từ tình bạn họ đã chuyển dần sang tình yêu. Ngày 1.6.1952 bà Thanh Hương và ông Tú Nam đính ước. Tuy đã đính ước nhưng thời gian ông bà ở bên nhau không nhiều vì Tú Nam đi các chiến dịch liên miên, Thanh Hương cũng đi chiến dịch phục vụ bộ đội, khi thì làm công tác hậu cần, khi thì là chính trị viên quân y. Từ lúc yêu cho đến lúc đã là vợ chồng, do thường xuyên phải đi công tác, hai người luôn trong hoàn cảnh cách xa nên họ thường xuyên viết thư cho nhau. Những lá thư không chỉ thể hiện tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng mà nó còn thể hiện lý tưởng sống, hoài bão và khát khao cống hiến cho Tổ quốc…
“Chiến tranh” thường được nói đến là sự tàn khốc, ác liệt và chia ly. Với thế hệ đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.
Những hiện vật chứng minh cho những mối tình ấy đang được trao tặng, viết lại và trưng bày tại Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Q.HOA