Đừng đổ lỗi cho cơ chế, cũng đừng thụ động ngồi chờ
Vở kịch nói “Khóc giữa trời xanh” tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021
Có thể nói, Tọa đàm diễn ra rất đúng thời điểm, khi các sân khấu kịch nói đang trong bối cảnh sụt giảm khán giả nghiêm trọng, không còn sáng đèn thường xuyên khiến những người quan tâm đến loại hình này không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Tham dự buổi Tọa đàm có các chuyên gia văn hóa, nghệ sĩ “gạo cội”, nghệ sĩ trẻ và một số nhà báo trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Theo nhà báo Thúy Bình, nhìn vào hoạt động sân khấu những năm qua, có thể thấy vẫn luôn xuất hiện những nhân tố tích cực và nổi bật trong vai trò đạo diễn sân khấu kịch nói, mang đến nhiều tác phẩm đặc sắc. Các đạo diễn trẻ đã và đang nỗ lực cố gắng để bám trụ với nghề, được giới chuyên môn nhìn nhận về tài năng và sức sáng tạo tươi mới thông qua các tác phẩm, vở diễn và hoạt động năng nổ. Không chỉ thể hiện sức sáng tạo ở lĩnh vực sân khấu kịch nói, một số đạo diễn còn tham gia và phát triển khả năng thực hành, sáng tạo cá nhân ở các lĩnh vực khác như kịch truyền hình, phim điện ảnh, sitcom, quảng cáo…
Sân khấu kịch nói TP.HCM một thời đi đầu trong công tác xã hội hóa, từ Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (hay còn gọi là Kịch 5B), đã có thêm Sân khấu Idecaf, sau đó là Sân khấu Kịch Sài Gòn, Sân khấu Kịch Phú Nhuận… trở thành chuỗi sân khấu tư nhân, mang lại nhiều sự lựa chọn về “món ăn tinh thần” cho công chúng. Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng nghệ sĩ “chạy sô” đóng phim, tham gia game show, truyền hình thực tế… làm cho chất lượng của một số sân khấu kịch sụt giảm và mất dần khán giả. Một vài sân khấu trong đó có Idecaf vẫn “ăn khách” là do những nghệ sĩ ngôi sao như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu... luôn toàn tâm, toàn ý với nghề nên Sân khấu Idecaf lúc nào cũng đông khán giả. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, do không thường xuyên sáng đèn nên nghệ sĩ buộc phải bươn chải để tìm kế sinh nhai. Và thế là câu chuyện “đổ thừa” qua lại vẫn trong vòng lẩn quẩn chưa có hồi kết.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho rằng, cần duy trì và làm mới mô hình trại sáng tác, vì chính ở trại, tác giả mới viết theo cảm xúc và không bị “đặt hàng”. Ông dẫn chứng gần đây nhất, trại sáng tác do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức tại Phan Thiết với cách làm mới đã “thu hoạch” được hàng chục kịch bản hay, vừa mang yếu tố giải trí vừa định hướng tư tưởng rất tốt.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, người đang thực hiện thành công dự án “Kịch sử Việt” hiến kế sân khấu cần phải liên kết với các doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, các “ông bầu” cần năng động, chủ động với nhiều giải pháp như tìm mối quan hệ với các doanh nhân, doanh nghiệp, mở rộng ở các lực lượng quân đội, trường học, ngoại giao... mới mong duy trì được sân khấu. Cụ thể, sân khấu của ông đang có đối tác đưa vở diễn ra miền Bắc với mức đầu tư đến 2 tỉ đồng. Các doanh nghiệp khi đã “chịu” tác phẩm của mỗi thương hiệu, sẽ sẵn sàng thưởng cho nhân viên vé xem kịch. Vở Khóc giữa trời xanh (HCV Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021) đến nay đã diễn trên 100 suất theo mô hình liên kết với trường học, doanh nghiệp…
Đạo diễn Ca Lê Hồng thì cho rằng, các đoàn hát ngày xưa đều tự thân vận động, các ông bà bầu biết kinh doanh, biết tổ chức, mời đội ngũ tác giả, đạo diễn... Chúng ta cần phải học hỏi họ. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Idecaf nhận xét, đa số sân khấu hiện nay chọn thị trường giải trí nên phải chấp nhận tính sòng phẳng “hay thì người ta mua vé, còn dở thì dẹp”. Vì vậy, theo ông, những người làm “bầu” phải nhìn lại lựa chọn của mình để tính cách đi, lựa chọn các thành phần sáng tạo cho phù hợp. “Chúng ta đang hoạt động sân khấu thị trường nên phải làm tất cả để tồn tại. Sân khấu thay đổi theo từng giai đoạn, lúc thịnh lúc suy là chuyện bình thường… Người ta đóng cửa sân khấu, nhưng tôi lại đang chuẩn bị cho ra mắt sân khấu với phương thức hoạt động khác để kinh doanh. Và chắc chắn mô hình này phải mới, Idecaf mà không mới thì Idecaf sẽ phải đóng cửa. Tùy tình hình mà mỗi nhà sản xuất phải linh động tìm ra cho mình hướng đi, đừng đổ lỗi cho cơ chế và cũng không thụ động ngồi chờ…”, ông Tuấn chia sẻ.
Còn theo nhà báo Hoàng Kim, sân khấu kịch nói TP.HCM đã từng hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi trong khoảng 20 năm. Và giờ là lúc sân khấu đang rất khó khăn, nhưng không có nghĩa đã mất hết hy vọng. Chúng ta cần nhìn lại nội lực sân khấu để tìm ra hướng đi tích cực. Và nội lực ấy nằm trong khả năng, tài năng của nghệ sĩ. Nếu không có tài năng thì dù rạp lớn bao nhiêu, cơ sở kỹ thuật tối tân thế nào cũng không thể chinh phục được người xem.
Đa số sân khấu hiện nay chọn thị trường giải trí nên phải chấp nhận tính sòng phẳng “hay thì người ta mua vé, còn dở thì dẹp”. Vì vậy, những người làm “bầu” phải nhìn lại lựa chọn của mình để tính toán cách đi và lựa chọn các thành phần sáng tạo cho phù hợp. Chúng ta đang hoạt động sân khấu thị trường nên phải làm tất cả để tồn tại. Sân khấu thay đổi theo từng giai đoạn, lúc thịnh lúc suy là chuyện bình thường. Tùy tình hình mà mỗi nhà sản xuất phải linh động tìm ra cho mình hướng đi, đừng đổ lỗi cho cơ chế và cũng không thụ động ngồi chờ… (Ông HUỲNH ANH TUẤN - Sân khấu Idecaf ) |
TÙNG THƯ