“Thi chui" bằng mọi cách: “Tự sướng” với danh hiệu “hão”
Bằng mọi giá để có mặt trong các cuộc thi nhan sắc lớn, nhỏ hay nói vui là “ao làng” của các thí sinh đủ hiểu họ… khát danh ảo như thế nào. Với lý do “đính kèm” mục đích đem tài năng, sắc đẹp… để tạo tiếng vang với bạn bè quốc tế nhưng thực chất, các cuộc bất chấp đi “chui”… lại phục vụ cho một mục đích khác của các người đẹp.
Không ít các người đẹp “cố đấm ăn xôi” bỏ công, bỏ của để mang về cho mình một danh hiệu… ảo. Bất chấp bị dư luận lên án, cơ quan chức năng xử phạt… nhưng gần đây tình trạng thi chui vẫn diễn ra ngày một nhiều và đang có dấu hiệu nhờn… luật!
Gần đây nhất trường hợp của thí sinh Nguyễn Thị Thành, dù trước đây đã từng phải dừng chân trước thềm Chung kết HHVN 2016 vì phẫu thuật thẩm mỹ răng và gian dối trong hồ sơ… Thì đến cuộc thi Hoa khôi du lịch VN 2017 cô lại tiếp tục phải trả danh hiệu vì vi phạm quy chế thi. Điều đáng nói là dù bị thu hồi danh hiệu và bị Cục NTBD từ chối cấp phép tham gia cuộc thi Miss Eco International 2017 (Hoa hậu môi trường) nhưng thí sinh này vẫn bất chấp để đi thi. Không được cho phép là đại diện quốc gia đi thi thì cô này lấy lý do thí sinh tự do để lách luật. Một trong những lý do được cô đưa ra: Được đích danh BTC mời, chỉ làm khách mời của cuộc thi, rồi sẽ chỉ đeo dải băng “From Vietnam”... Dù với lý do nào thì mục đích của cô và quản lý của mình cũng đã rõ. Cố tình và bất chấp để đạt mục đích riêng.
Xử phạt 57,5 triệu đồng cho hành động cố tình đi “thi chui” |
Dù các người đẹp giải thích gì đi nữa thì những danh hiệu cao thấp trong cuộc thi này đều không được công nhận khi về nước. Thế nhưng, điều gì đã khiến cho những cô gái này bằng mọi giá, dù có bị lên án, xử phạt và bị mang tiếng “thi chui”? Câu trả lời này có lẽ ai cũng hiểu. Khi mà mục đích chính của các cuộc “vượt rào” này không nằm ngoài lợi ích cá nhân.
Trước Nguyễn Thị Thành, hàng chục gương mặt người đẹp cũng đã ghi tên mình vào danh sách những cuộc “thi chui” và đều bị xử phạt hành chính. Điển hình trong đó có Huỳnh Thị Thúy Anh; Cao Thùy Linh, Oanh Yến, Diệu Linh; Mỹ Vân, Lâm Thùy Anh… Điều đáng nói, các cuộc thi này đều có quy mô nhỏ, không chất lượng và ít người biết đến. Dù có những cái tên nghe rất kêu như: Hoa hậu thế giới toàn cầu; Hoa hậu doanh nhân thế giới; Hoa hậu sắc đẹp hoàn cầu; Hoa hậu quốc tế… nhưng hầu hết đều là “thùng rỗng kêu to”. Khi các cuộc thi này thổi phồng lên về mục đích, ý nghĩa. Ngay cả cuộc thi Miss Eco International mà Nguyễn Thị Thành cố tình tham gia thực chất cũng mang ý nghĩa như thế. Cuộc thi này mới chỉ tồn tại 3 năm nhưng mỗi năm lại mang một tên gọi khác nhau: Miss Eco Queen, Miss Eco Universe và Miss Eco International. Đáng nói là cuộc thi này bị đánh giá ở tầm “ao làng”!
Không ít những cuộc thi “sắc đẹp” được đồn thổi lên mây vơi những mục đích cao cả và nhân văn nhưng thực chất lại là những cuộc “đổi chác”. Người đi thi cần danh hiệu, tên tuổi còn người tổ chức thu lợi nhuận mà thôi.
Trong năm 2016 cuộc thi Duyên dáng doanh nhân do công ty Ngôi sao Việt tổ chức đã ngay lập tức bị tuýt còi và phải chịu án phạt hành chính vì tổ chức sai quy chế. Lấy danh nghĩa một cuộc thi cho các doanh nhân thành đạt nhưng thực chất lại là cuộc “tự sướng” danh hiệu. Khi BTC trao đến hơn 30 danh hiệu hoa khôi/ tổng số 50 thí sinh dự thi! Điều đáng nói là sau khi cuộc thi kết thúc đã có những thông tin từ phía người tham gia về cuộc “trao đổi, mua bán” mà BTC cuộc thi đã khéo ngụy trang bằng việc phụ… tài trợ!
Nhiều cuộc thi “thùng rỗng kêu to” như vậy ngày càng xuất hiện nhiêu hơn nằm ngoài mục đích của một cuộc thi sắc đẹp. Dư luận đã gọi những cuộc thi này là một kiểu “kinh doanh nhan sắc”. Bởi cả người chơi và người tổ chức đều vì những mục đích và lợi ích riêng. Tất nhiên các cuộc trao và nhận này chỉ là những cuộc “tự sướng” với nhau giữa thí sinh và nhà tổ chức…
Mai Linh