Thời trang - nhịp cầu kết nối các nền văn hóa
Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Những ngày Văn học châu Âu năm 2017 tại Hà Nội, tại Hà Nội, NXB Kim Đồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Đại sứ quán Pháp tổ chức ra mắt tác phẩm Thời trang là thế, với sự tham gia giao lưu của Hoa hậu Pháp 2014 Flora Coquerel, Hoa hậu Việt Nam 2010 - nhà thiết kế thời trang Đặng Ngọc Hân và bà Eva Nguyễn Bình, Tham tán hợp tác và hoạt động văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam.
Đến với thời trang khá sớm và gắn bó với thời trang cho tới hôm nay, Hoa hậu Việt Nam 2010, nhà thiết kế Ngọc Hân chia sẻ: “13 tuổi tôi đã là người mẫu thời trang của Báo Hoa học trò, được tiếp cận nhiều hơn với thời trang, hun đúc ước mơ với các mẫu thiết kế. 17 tuổi bước lên sàn diễn thời trang chuyên nghiệp, tiếp xúc với các nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam là cơ hội quý báu làm dày thêm trải nghiệm của bản thân với lĩnh vực này. Cho tới khi trở thành sinh viên Khoa Thiết kế thời trang, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó đăng quang Hoa hậu Việt Nam, Ngọc Hân vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trở thành một nhà thiết kế, đặc biệt là áo dài, qua đó truyền tải thông điệp, nét đẹp văn hóa Việt Nam”.
Trong khi đó, trở thành Hoa hậu Pháp 2014 khiến Flora Coquerel gắn bó hơn với thời trang, có cơ hội làm việc với các nhà thiết kế tên tuổi, trình diễn cho các hãng nổi tiếng tại Paris – nơi được mệnh danh là kinh đô thời trang. Về bản thân, cô thích phong cách đa dạng, phù hợp với từng hoàn cảnh, bởi “thời trang định nghĩa chúng ta là ai, nhưng không vì vậy mà có quy chuẩn “cứng nhắc” mà quan trọng là chúng ta phải ăn mặc phù hợp, dám thử cái mới như màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, họa tiết... Và khi khoác lên bộ trang phục, chúng ta phải luôn cảm thấy lạc quan, tự tin”.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Eva Nguyễn Bình cho rằng: “Trước kia, khi còn trẻ tôi nghĩ mode là hào nhoáng, xa vời với cuộc sống, chỉ xuất hiện trên sàn diễn. Nhưng sau này, tôi đã nghĩ khác, thời trang là nơi thể hiện thông điệp, cá tính mỗi người, ở đó cũng cho thấy sự phát triển của xã hội. Hiện nay, tại Pháp có hai đợt trình diễn thời trang Xuân - Hè, Thu - Đông, nhưng từng tháng các nhà thiết kế cũng cho ra mắt các bộ sưu tập mới. Tín đồ thời trang có thể thấy xu hướng mới liên tục tại Paris, và ngay lập tức tìm được cái mới, theo sát những bước phát triển của thời trang, nhất là cập nhật trên các mạng xã hội. Đó cũng là sức ép với các nhà thiết kế, đòi hỏi liên tục có những tác phẩm mới, nhưng vẫn không hề kém về thay đổi phong cách, kiểu dáng cũng như chất liệu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng”.
Thế kỷ XX đánh dấu sự khởi đầu của ngành thời trang và chỉ trong vài thập niên, làng mốt đã có những bước phát triển đáng kinh ngạc. Thời trang luôn là từ khóa có sức hấp dẫn với phần đông công chúng. Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng, không chỉ gắn với sàn diễn, với cuộc sống hằng ngày, thời trang còn là nhịp cầu kết nối các nền văn hóa: “Là Hoa hậu Việt Nam, đồng thời là một nhà thiết kế, thường xuyên tham dự các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, tôi luôn “đau đầu” chọn trang phục tham dự sao cho phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia tổ chức sự kiện. Trước khi gặp gỡ các bạn Pháp hôm nay, tôi đã mất cả tuần thiết kế bộ áo dài in hình tháp Eiffel - thể hiện sự giao lưu văn hóa, với tà áo dài truyền thống Việt Nam và biểu tượng của nước Pháp, coi đó như lời chào đón nồng nhiệt các bạn Pháp đến với Việt Nam”.
Cuốn sách Thời trang là thế dịch từ nguyên bản tiếng Pháp do Maud Gabrielson viết phần lời, Alix de Moussac minh họa, giúp độc giả được làm quen với những tên tuổi lớn nhất thế giới như Dior, Chanel, Yves Saint Laurent...; vén màn hậu trường của những buổi biểu diễn thời trang. Tác phẩm cũng mang đến một thiên đường thời trang kỳ diệu qua việc cập nhật các xu hướng mới nhất, bốn hồ sơ nhà mốt đình đám, những địa chỉ đắt đỏ nhất thế giới: Paris - Đại lộ Montaigne; New York - Đại lộ số 5; London - phố Oxford; Milan - Tứ giác vàng; những đại sứ thương hiệu nổi tiếng... |
Minh Hà