A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân Quảng Ngãi ồ ạt bán keo non

VHO- Hiện tại, giá keo nguyên liệu trên thị trường tăng cao, với giá từ 1,6 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/ tấn, tăng gần 50% so với đầu năm 2022. Do đó, một số người trồng keo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ồ ạt khai thác keo non để bán.

Người dân ồ ạt thu hoạch keo non

Những năm gần đây, phong trào trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện miền núi phát triển rất mạnh. Nhiều hộ gia đình ngoài việc mở rộng diện tích trồng, còn thuê đất và vay vốn ngân hàng để trồng rừng. Vì vậy, khi giá keo nguyên liệu tăng cao, người dân ồ ạt bán keo non để có tiền trang trải cuộc sống. Gia đình ông Đinh Ka Nha ở xã Sơn Trung (Sơn Hà), có 1 ha rừng keo, tuy chỉ mới 3 năm tuổi nhưng ông vẫn quyết định thu hoạch non. “Cây keo lẽ ra đợi 4-5 năm mới đạt yêu cầu để bán, nhưng giờ kinh tế khó khăn, mấy năm rồi vì dịch Covid-19 nên không đi làm cái gì được, con cái ăn học không đầy đủ, không có tiền”, ông Nha cho hay.

Kinh tế khó khăn, keo được giá nông dân bán để có tiền trang trải cuộc sống

Từ tháng 5 trở lại đây, giá gỗ keo liên tục tăng. Không chỉ riêng ông Nha, nhiều chủ rừng đã quyết định thu hoạch dù keo chỉ tầm 3 năm tuổi, còn non và sản lượng không cao. Theo người trồng keo, nếu để thêm ít nhất 2 năm nữa mới thu hoạch thì năng suất cao hơn và thu thêm vài ba chục triệu. Thế nhưng, vì kinh tế khó khăn và không biết thị trường sẽ biến động như thế nào nên họ tranh thủ bán khi keo đang được giá. Bà Đinh Thị Méo ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà) chia sẻ: “Năng suất keo non thấp, nếu để keo già bán được nhiều tiền hơn, nhưng vì thiếu tiền nên phải bán keo non”.

Keo 3 năm tuổi nên năng suất thấp

Qua tìm hiểu, hiện các nhà máy thu mua từ 1,6 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/ tấn, tăng gần 50% so với đầu năm 2022. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, giúp cho người trồng keo tăng thêm mức lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Giá tăng là tín hiệu vui cho nông dân, nhưng điều này cũng kéo theo tình trạng nông dân thu hoạch keo non, khai thác cả những cánh rừng chưa đủ tuổi. Việc bán keo non về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ rừng trồng. Bên cạnh đó, nông dân thu hoạch sớm sẽ không cho năng suất cao, lợi nhuận thấp. Các doanh nghiệp chế biến gỗ có nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất. 

Nhà máy chế biến dăm gỗ gặp khó khăn trong việc thu mua

Hơn một tuần qua, xưởng xẻ gỗ thanh của Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Trà Bồng phải tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào là keo có kích cỡ lớn. Theo ông Lê Văn Đức - Giám đốc Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Trà Bồng, Công suất của xưởng xẻ gỗ thanh 60 tấn một ngày nhưng thu mua chỉ chục tấn, có ngày chẳng có cây nào. Nguyên liệu thiếu đã đành, giá gỗ keo tăng vọt thời gian gần đây buộc xưởng phải đóng cửa vì càng sản xuất càng lỗ. “Nguyên nhân là các doanh nghiệp chế biến gỗ thường ký kết đơn hàng với đối tác cung cấp cả năm với một mức giá cố định. Trong khi đó, giá keo liên tục tăng cao nên phải thương thảo với đối tác để hủy các đơn hàng”, ông Đức cho hay.

Thu hoạch keo non ảnh hướng đến chất lượng gỗ

Theo ngành lâm nghiệp, keo từ 5 đến 7 năm tuổi gỗ mới đạt chất lượng và năng suất cao. Việc bán keo non về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ rừng trồng. Cái khó hiện nay là chủ rừng quyết định thời gian thu hoạch keo nên chính quyền địa phương có tuyên truyền bao nhiêu đi nữa, ngành lâm nghiệp có đưa ra khuyến cáo thì vẫn không hạn chế tình trạng bán keo non. Đầu tư rừng trồng kéo dài, trong khi người dân ở miền núi gặp khó khăn nên khi giá tăng vẫn thường xuyên diễn ra. 
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có diện tích trồng keo lớn của miền Trung với hơn 2.200 ha. Thế nhưng, các nhà máy biến gỗ, có những nhà máy ở miền núi, sát với vùng nguyên liệu vẫn thiếu nguyên liệu. Nghịch lý này làm ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. 

NHƯ ĐỒNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...