Cảnh báo lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
VHO- Thời gian gần đây, Công an các địa phương liên tục phát đi cảnh báo tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Campuchia bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, đề nghị người dân cảnh giác trước những lời quảng cáo việc nhẹ, lương cao.
Những lời kêu cứu của người lao động làm việc tại Campuchia
Lên mạng kêu cứu
Mới đây, một người mẹ tại tỉnh Quảng Ninh lên mạng xã hội đăng tin tìm con trai đi làm việc tại Campuchia nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Chị viết: “Cháu là Trần Thanh Bình, cháu đi Campuchia từ ngày 25 tháng 2, ai gặp hay biết cháu thì gọi cho em ạ”. Chị cho hay sẵn sàng chi tiền chuộc con trai nhưng không biết chuộc ở đâu.
Cũng trên mạng xã hội không ít những lời kêu cứu, tự chuộc mình từ những người đã bị lừa sang làm việc tại Campuchia: “Có anh chị nào chuộc người 2.900$ không ạ, giúp em với”, “Mình có đứa em bị lừa bán sang khu Bavet, cho hỏi có cách nào liên hệ chuộc về được không”, “Cần một người thực sự giúp mình ra khỏi công ty này, bị lừa bán vào công ty vì không làm được. Cần chuộc ra làm bất cứ công việc gì…”, “Cần giúp đỡ: Bạn sang Campuchia làm, bị công ty lừa đảo. Không cho làm bắt nhốt đòi tiền gia đình chuộc. Còng tay các thứ không cho ăn uống 3 ngày nay rồi. Xin mọi người giúp đỡ”…
Trước thực trạng này, Công an tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân cần cảnh giác, khi đi lao động nước ngoài cần thực hiện đầy đủ các thủ tục xuất cảnh theo quy định, tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép. Còn Công an tỉnh Tây Ninh cho biết từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của các gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia lao động.
Theo Công an thành phố Hải Phòng, thủ đoạn của các đối tượng là đưa ra những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, lương cao (có thể lên tới hàng chục triệu đồng/tháng) kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí còn cho “ứng trước” tiền để lo chi phí xuất cảnh, khiến rất nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.
Các nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê. Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc về nước với số tiền từ 3.000- 30.000 USD.
Công an Thành phố Hải Phòng cũng cho biết, nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau. Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Bavet - tỉnh Svay Rieng; Banteay Meanchey - tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukville - tỉnh Preah Sihanouk, Chrey Thom - tỉnh Kandal và tại thành phố Phnom Penh. Đối tượng cầm đầu hoạt động trái phép này là các đối tượng người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang sinh sống tại Campuchia.
"Việc nhẹ lương cao chỉ là lừa đảo"!
Hiện nay, số người lao động Việt Nam được đưa đi làm việc hợp pháp tại nước ngoài ngày càng tăng tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Việt chưa có hợp tác việc làm với Chính phủ Campuchia. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thay vì tin lời dụ dỗ của những kẻ lạ mặt, không có thông tin hay môi giới thì nên tới các cơ quan Nhà nước như Phòng LĐ,TB&XH, Sở LĐ,TB&XH hay Trung tâm Dịch vụ việc làm địa phương, các công ty xuất khẩu lao động được cấp giấy phép để được tư vấn. “Không nên tự ý đi làm việc ở nước ngoài qua các đường dây môi giới không đáng tin cậy. Hoàn toàn không có công việc nào được gọi là việc nhẹ lương cao”, ông Liêm nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, với những hành vi lừa đảo, ép buộc nêu trên là hành vi bất hợp pháp bị nghiêm cấm, có dấu hiệu mua bán người. Những vụ việc tương tự thường xảy ra ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa giáp biên giới. Đây cũng là khu vực trình độ dân trí của người dân còn thấp, kinh tế khó khăn. Luật Phòng, chống mua bán người quy định cụ thể hành vi bị cấm, trong số đó có các hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ lao động để cưỡng bức lao động. Vì vậy cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn về vấn đề mua bán người và bóc lột lao động. Bên cạnh đó, cũng nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động. Có việc làm, được tư vấn, công việc ổn định lao động sẽ không còn nghĩ tới việc di cư tự do nữa.
Là cơ quan thực hiện hỗ trợ nạn nhân mua bán người, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: “Trong trường hợp các nạn nhân bị mua bán trở về qua cửa khẩu hoặc trình báo với Đồn Biên phòng thì chúng tôi sẽ thực hiện hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, có thể hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và các dịch vụ kèm theo từ nguồn Chính phủ và cả các tổ chức phi Chính phủ. Thời gian qua, nhiều Bộ ngành, địa phương cũng tập trung nhiều giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống mua bán người và di cư cư bất hợp pháp của lao động. Việc truyền thông cũng đã cảnh báo hành vi có dấu hiệu mua bán người, bóc lột lao động... từ đó đề cập hậu quả của tình trạng này. Tuy nhiên, một bộ phận lao động vẫn chưa tiếp cận được thông tin, hiểu biết hạn chế nên vẫn đi làm việc theo những kênh không chính thống, vướng vào đường dây lừa đảo việc làm”.
Nhằm giảm thiểu việc lao động di cư tự do, ngăn chặn hành vi lừa đảo, mua bán người qua biên giới, Công an các địa phương khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi xác định nhận lời đi làm, cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào. Chủ động nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan hoặc liên hệ với các cơ quan chức năng như Phòng LĐ,TB&XH; Sở LĐ,TB&XH; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh- Công an tỉnh; Công an các huyện, thị xã, thành phố hoặc Công an các xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục xuất cảnh theo quy định, tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép.
Thông báo cho người thân và gia đình về địa điểm nơi làm việc, công việc của mình và người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh. Đồng thời, khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hoạt động lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời hướng dẫn, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Không nên tự ý đi làm việc ở nước ngoài qua các đường dây môi giới không đáng tin cậy. Hoàn toàn không có công việc nào được gọi là việc nhẹ lương cao”. (Ông NGUYỄN GIA LIÊM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ,TB&XH) |
NGUYỆT MINH