Kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á: Nhiều khuất tất
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bị can đối với ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, cùng 5 người khác về hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ án xảy ra tại CDC tỉnh Hải Dương và một số đơn vị, địa phương.
Hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu
Trước đó, C03 đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An đồng thời triệu tập ghi lời khai hơn 30 đối tượng liên quan.
Trong quá trình điều tra, C03 đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến… C03 đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan cũng như rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để bảo đảm thu hồi cho Nhà nước.
Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á, tại buổi họp báo về kết quả nghiên cứu bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Bước đầu, Phan Quốc Việt và các lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á đã khai nhận quá trình kinh doanh, tiêu thụ kit xét nghiệm Covid-19 của công ty này. Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm kit test thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện (BV), CDC các tỉnh, thành sử dụng.
Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách công ty sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho công ty theo giá do công ty đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo BV, CDC các tỉnh, thành trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Chi hoa hồng "khủng"
Đến nay, C03 xác định Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến gần 30 tỉ đồng. Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu.
Trước khi bị bắt, Phan Quốc Việt được coi là đại gia mới nổi trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam. Ngoài Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt còn làm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển kinh doanh Việt Á, Công ty CP Kỹ thuật Việt Á, Công ty CP Y tế Việt Á. Riêng Công ty Việt Á được thành lập vào tháng 2-2007, vốn điều lệ 80 triệu đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập; trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM.
Đến tháng 10-2017, Công ty Việt Á tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ lên 1.000 tỉ đồng nhưng vẫn giữ nguyên 3 cổ đông sáng lập là ông Phan Quốc Việt (nắm giữ 10,2% cổ phần); ông Đồng Sỹ Huy (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) nắm giữ 5% và bà Hồ Thị Thanh Thủy (thường trú huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nắm giữ 4,8%. Số cổ phần 3 cổ đông sáng lập nắm giữ là 20%, còn khoảng 800 tỉ đồng vốn điều lệ là của các cổ đông khác góp vốn.
Giai đoạn 2016-2019, kết quả kinh doanh của Việt Á có chiều hướng đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á hợp tác với Học viện Quân y sản xuất thành công bộ kit test Covid-19 "made in Vietnam".
Trước đó, Công ty Việt Á cũng trúng nhiều gói thầu tại các BV lớn trên cả nước như: Gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016-2017 (thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho BV Quân y 175; gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018-2019 cho BV Da liễu trung ương. Tại BV Đại học Y Hà Nội, công ty này trúng gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn. Gần đây, công ty này trúng gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ xét nghiệm tại BV Bạch Mai.
Tại buổi công bố bộ kit xét nghiệm Covid-19, ông Phan Quốc Việt từng dẫn chứng rằng 1 kit xét nghiệm của nước ngoài thường có giá thành gấp 10 lần, rẻ cũng phải gấp 3-4 lần bộ kit của Việt Nam mặc dù chất lượng tương đương. "Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển. Anh sản xuất trong nước trước hết phải phục vụ người dân trong nước, tại sao lại tăng giá tới mức cắt cổ? Chất xám cần để phục vụ cộng đồng" - tổng giám đốc Công ty Việt Á từng nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có văn bản mới nhất gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Bộ trưởng đề nghị căn cứ kế hoạch thanh tra năm 2022 của tỉnh, thành phố, xem xét bổ sung vào kế hoạch thanh tra năm 2022 của địa phương có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tối 19-12, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, cho biết 4 đơn vị trong tỉnh đã mua kit test của Công ty Việt Á gồm: CDC Long An, BV Đa khoa Long An, BV Đa khoa Khu vực Hậu Nghĩa và BV Đa khoa Khu vực Cần Giuộc. Sở đã đề nghị 4 đơn vị tổng hợp chi tiết số lượng, giá mua kit test để báo cáo UBND tỉnh. Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC TP Cần Thơ, khẳng định đơn vị không liên quan đến vụ án của Công ty Việt Á và không mua bán kit xét nghiệm của công ty này. Đại diện CDC Hà Nội cho biết trong phòng chống dịch Covid-19, thành phố dùng nhiều loại kit xét nghiệm Covid-19 từ nhiều đơn vị cung cấp khác nhau, trong đó có kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, đa số kit xét nghiệm được cho, tặng, biếu, tài trợ từ nhiều đơn vị. |
Sản phẩm không được chấp nhận cho EUL? Theo quảng cáo của Công ty Việt Á, đây là bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Y tế cấp số đăng ký; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE), cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS); Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm cho phép lưu hành toàn cầu. Năng lực sản xuất của Công ty Việt Á khoảng 30.000 kit xét nghiệm/ngày. Bộ kit xét nghiệm này cho kết quả chính xác 100% sau 2 giờ và đáp ứng được các tiêu chí tương đương các bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và WHO hướng dẫn. Tuy nhiên, trong danh sách mang tên "SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL", đang nằm trên website chính thức của WHO, lại có tên bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Cụ thể, trong mục "Các ứng dụng đã được đánh giá và không đáp ứng được các bằng chứng, tài liệu cần thiết về độ an toàn, hiệu suất và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng - xét nghiệm axit nucleic SARS-CoV-2", có tên sản phẩm "LightPower iVASARS‐CoV‐2 1stRT‐rPCR Kit" của Công ty Công nghệ Việt Á, mang mã số EUL 0524‐210‐00. "SARS‐CoV‐2 IVDs" là danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO dành cho các chẩn đoán In vitro SARS-CoV-2; trong khi EUL là quy trình lập danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO. EUL dựa trên rủi ro để đánh giá và liệt kê các vắc-xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán In vitro chưa được cấp phép với mục đích cuối cùng là xem xét khả năng tạm thời cung cấp các sản phẩm này cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. EUL sẽ như một tài liệu tham khảo, hỗ trợ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên trong việc chấp nhận sử dụng và mua sắm các sản phẩm, dựa trên một bộ dữ liệu cần thiết về chất lượng, an toàn, hiệu quả và hiệu suất có sẵn. |
NGƯỜI LAO ĐỘNG