Phòng tập gym mở 24/7 và có hộp ngủ cho nhân viên
Ngày càng nhiều phòng tập thể dục mở cửa 24h ở Nhật Bản Ảnh: NY Post
Phòng gym ở Nhật Bản sáng đèn xuyên đêm
Mỗi tuần 2 lần, lúc Mặt trời vừa ló rạng, Maiko Fujita rời khỏi giường để đến phòng tập thể hình, trong khi chồng và con gái vẫn còn say giấc nồng. Người phụ nữ 47 tuổi này tập luyện cho các cuộc thi đi bộ đường dài và tham gia câu lạc bộ thể thao 24h cách đây một năm rưỡi. Cô duy trì thói quen tập luyện một tiếng với máy và đi bộ khoảng 1-2 tiếng trên máy chạy bộ.
“Tôi là người dậy sớm và thật may mắn khi các phòng tập có thể mở cửa 24/7”, cô nói với Japan Times. Fujita làm việc tại nhà 4 ngày/tuần, theo kế hoạch làm việc từ xa mà công ty có trụ sở tại Tokyo của cô áp dụng trong suốt thời gian đại dịch. Mọi khoảng thời gian rảnh rỗi trong các chuyến công tác không thường xuyên, cô đều tận dụng để tập luyện tại các phòng thể dục khác nhau. Đại dịch tấn công, và những hạn chế sau đó về giờ làm việc cũng như biện pháp giãn cách xã hội đã tác động đến xu hướng tập thể dục ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Fast Fitness Japan, công ty nhượng quyền chính của Anytime Fitness trên toàn quốc, lại ăn nên làm ra. Doanh thu khi kết thúc năm tài chính đã tăng 17,3% so với cùng kỳ, lên 13,1 tỉ yen (96,6 triệu USD), trong khi công ty đạt lợi nhuận ròng 1,7 tỉ yen trong cùng kỳ.
Đại dịch đã thay đổi đáng kể thói quen hằng ngày của người dân, song dường như không thể dập tắt nhu cầu tập luyện thể thao và giữ gìn vóc dáng. Theo một cuộc khảo sát hằng năm do Tổ chức Thể thao Sasakawa thực hiện từ năm 1992, ở Nhật Bản, số lượng người tham gia thể thao tích cực, nhóm tham gia tập thể dục ít nhất 30 phút, hai lần/tuần ở cường độ trung bình trở lên, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 22,1% vào năm 2020.
“Hộp ngủ trưa” được ra mắt nhằm giảm thiểu tình trạng kiệt sức vì công việc Ảnh: NY Post
Hộp ngủ trưa cho nhân viên nghỉ ngơi
Sau những đợt giãn cách vì dịch Covid-19, nhân viên của công ty ở Nhật Bản đã đến văn phòng làm việc trở lại và tiếp tục lao vào guồng quay công việc, làm việc tới đêm khuya tại công ty. Tuy nhiên, giờ đây, họ có thể nghỉ ngơi trong những hộp ngủ trưa tại công ty.
Việc lắp đặt thêm chỗ nghỉ ngơi cho nhân viên được xem là nỗ lực của nhiều công ty ở Nhật Bản trong việc giảm thiểu tình trạng kiệt sức, thiếu ngủ ở người lao động. Thiết bị nghỉ ngơi được thiết kế như chiếc hộp dài, không có cửa sổ, diện tích vừa đủ cho một người, bên trong có đệm êm tạo cảm giác thoải mái khi “đánh giấc”. Việc nhiều công ty trang bị “hộp ngủ” trong khuôn viên được cho là khuyến khích văn hóa công sở lành mạnh với giới cổ cồn trắng ở xứ Hoa anh đào. “Ở Nhật, không ít người phải trốn trong nhà vệ sinh để chợp mắt một lúc. Tôi thấy việc này không tốt cho sức khỏe, tốt hơn là nên ngủ ở một vị trí thoải mái”, Saeko Kawashima, Giám đốc truyền thông của hãng sản xuất đồ nội thất Itoki, nói với Bloomberg.
Các nhà sản xuất hy vọng sản phẩm của họ sẽ góp phần giải quyết sự khắt khe trong môi trường văn phòng ở Nhật, nơi 1/4 công ty yêu cầu nhân viên làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng, thường không được trả thêm tiền, theo một nghiên cứu công bố trên CNBC. Trong văn hóa ở xứ sở Mặt trời mọc, sự cần cù được biểu hiện bằng việc siêng năng, dốc cạn sức lực cho công ty, đây là đức tính rất được coi trọng. Tuy mệt mỏi hay đau ốm thế nào, họ vẫn cố gắng góp mặt trong những buổi họp và hoàn thành công việc. Họ cũng thường xuyên bỏ qua nhu cầu cá nhân và tình trạng sức khỏe của bản thân để nhanh chóng được thăng chức. Vì thế, trong mắt các nước phương Tây, chuyện nhân viên văn phòng qua đời vì làm việc quá tải, suy nhược cơ thể hay tự tử do áp lực quá nặng nề không còn là điều lạ lẫm ở Nhật Bản, theo Wired.
Ngay khi công bố thông tin về chiếc hộp ngủ trưa, nhiều người dùng trên Twitter cho rằng đây là cách kêu gọi mọi người trở lại văn phòng. “Tôi thấy không ít người có xu hướng làm việc liên tục không nghỉ. Chúng tôi mong các công ty có thể sử dụng chúng để nhân viên có cách nghỉ ngơi linh hoạt hơn”, ông Kawashima nói.
CHI MAI