Vấn đề giáo dục miễn phí ở Pháp
Hai cuộc cách mạng 1789 và 1848 đã làm thay đổi nền giáo dục ở Pháp. Nước Pháp là nước đầu tiên trong châu Âu đặt chính sách giáo dục tách ra khỏi ảnh hưởng của Giáo hội và vấn đề phi tôn giáo chính trị trong học đường. Trường học không phải nơi truyền bá tôn giáo và mọi định kiến tự tưởng. Học sinh tự nhận thức trong quá trình đào tạo. Trường học chỉ đề cao vấn đề tôn trọng sự đa dạng trong tư tưởng. Tuy nhiên, tất cả phải vì mục đích “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Đó chính là 3 điểm ghi ngay trong điều mục đầu tiên của hiến pháp nước cộng hòa Pháp.
Giảng đường Đại học Sorbonne
Tất cả các cấp từ mẫu giáo đến hết trung học đều được miễn học phí, trừ trường tư nhân. Sách giáo khoa cho mượn, cuối năm trả lại. Học sinh được mượn khi khai giảng, phải ghi rõ tình trạng sách. Phụ huynh ký vào, cuối năm trả lại. Điều này có rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn như bảo vệ môi trường, tránh lãng phí; thể hiện sự bình đẳng. Học sinh giàu nghèo đều có sách đến trường. Bên cạnh đó, việc nhà trường cho mượn sách giáo khoa còn giúp đồng nhất kiến thức. Trước khi đến tay học sinh, sách giáo khoa do giáo viên bộ môn đề xuất với trường. Để đảm bảo chất lượng, việc lựa chọn phải do một hội đồng của trường duyệt mua.
Ở cấp tiểu học, học sinh đi học, nhà trường và thầy cô giáo không biết được việc đóng tiền ăn của mỗi học sinh để tạo sự công bằng trong xã hội. Trung học cơ sở tiền ăn nộp ở tòa thị chính, đóng theo thu nhập gia đình dựa trên giấy khai thuế. Cao nhất khoảng 5 Euro/ bữa, trường hợp đặc biệt thậm chí còn được miễn phí. Từ trung học, ban quản lý nhà trường thu theo thu nhập. Nhà hai con đi học cùng trường được giảm 20%. Thầy cô giáo không can thiệp vào việc nộp tiền ăn. Giáo viên chuyên tâm vào nghiệp vụ. Học sinh kém, cần phụ đạo, cũng được tổ chức ở trường, không phải đóng thêm. Sổ liên lạc là thông tin quan trọng giữa gia đình và nhà trường. Mọi kiến nghị với thầy cô đều viết vào sổ, nếu không giải quyết được mới gặp phụ trách cao hơn. Thầy cô giáo phải ký vào sổ khi có thư của phụ huynh là đã đọc hoặc trả lời. Phụ huynh có thể thư lên hiệu trưởng để giải quyết. Thầy cô giáo không trả lời sẽ bị phê bình. Ví dụ, phu huynh không đồng ý cho con lưu ban sẽ viết thư cho thầy cô chủ nhiệm. Thầy cô chủ nhiệm sẽ gặp trực tiếp bố mẹ trả lời, và đề đạt lên hiệu trưởng… Nếu giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng đều quên, hoặc bất đồng ý kiến, phu huynh đề đạt thẳng lên Sở. Một hội đồng do Sở thành lập sẽ xét từng trường hợp của các trường khác nhau trong một ngày khi xét khiếu nại lên lớp. Nếu ngày triệu tập vắng mặt phu huynh, coi như phụ huynh chấp nhận đề nghị của giáo viên. Nếu phu huynh đến, hội đồng vì lỗi gì không đến, khiếu nại phụ huynh coi như thành công vì lỗi sở giáo dục. Tất cả nhằm tạo nên sự công bằng trong xã hội, sự khách quan khi đánh giá học sinh, không thiên kiến hay bị trù. Việc cha mẹ kiến nghị cũng thể hiện sự quan tâm của gia đình đến việc học tập và giáo dục con cái.
Khuôn viên Trường Trung học và dự bị Lakanal ở ngoại ô Paris
Việc tuyển đại học ở Pháp cũng chỉ cần dựa trên hồ sơ. Một số trường nổi tiếng như Bách khoa, Sư phạm… đều tuyển qua thông qua kết quả thi ở lớp dự bị đại học. Nhiều người tưởng nhầm dự bị đại học ở Pháp là học sinh kém yếu, thi trượt đai học. Lớp dự bị này chỉ tuyển chọn học sinh theo hồ sơ tốt. Không phải trường trung học nào cũng được phép mở lớp dự bị đại học. Vào dự bị đại học được hưởng mọi chế độ giống sinh viên như được phép thi 3 lần, tuyển theo điểm. Mỗi lần thi lại bị trừ điểm để công bằng với sinh viên thi lần thứ nhất. Sinh viên có thể bỏ dự bị, trở lại học các trường đại học tổng hợp và không bị mất năm nào. Nhiều khi, sinh viên cảm thấy không hợp và mệt mỏi với cách luyện thi căng thẳng đã quay trở lại các trường đai học tổng hợp. Tất nhiên để không mất năm học lãng phí, sinh viên cũng phải có điểm học. Với lớp dự bị này, trường công hoàn toàn miễn phí. Chính sách này giúp cho học sinh giỏi từ mọi thành phần đều có điều kiện tiến thân vào xã hội. Sách giáo khoa của lớp này cũng hầu như cho mượn. Trừ một số sách mà giảng viên khuyên nên mua để bổ sung kiến thức.
Đối với bậc Đại học, Pháp là nước có học phí rẻ hơn nhiều so với một số quốc gia. Đây là cách để Pháp tìm kiếm người tài, lan tỏa văn hóa Pháp. Học sinh tốt nghiệp phổ thông đều có thể vào đại học với chính sách hỗ trợ cho vay của ngân hàng với lãi suất rất thấp chỉ 2%/năm để trả học phí. Tốt nghiệp xong, khi xin được việc mới phải tự giác trả. Thông thường khi ra trường, sinh viên rất tự hào vì kiếm được việc làm ngay và chỉ vài tháng là trả được hết món nợ này. Ngoài ra, Pháp còn có chính sách khuyến khích học sinh giỏi. Tốt nghiệp khá, giỏi sẽ được ngân hàng thưởng để khuyến khích. Có nhà băng còn thưởng cho những học sinh xuất sắc nhất trên toàn quốc một chuyến du lịch nước ngoài.
Thư viện Trường trung học, dự bị Henri IV, Paris
Ở Pháp, thư viện, bảo tàng đều tham gia đóng trong vai trò giáo dục, miễn phí cho học sinh dưới 17 tuổi. Bảo tàng, thư viên chính là trường học, nơi cung cấp kiến thức cho học sinh. Một số ngành đặc biệt như hội họa, báo chí được vào miễn phí bảo tàng với thẻ hành nghề. Do vậy, học sinh, sinh viên nào ham thích tìm hiểu văn hóa đều có điều kiện vào để tìm hiểu, nâng cao kiến thức. Chủ nhật đầu tiên của tháng, học sinh cũng được vào miễn phí bảo tàng. Hàng năm, vào trung tuần tháng 9, 2 ngày cuối tuần, tất cả các nơi thuộc về di sản văn hóa của Pháp đều mở cửa miễn phí cho dân như tòa thị chính Paris, những công trình văn hóa nổi tiếng Đại học Sorbone. Người dân không phân biệt đẳng cấp đều được hưởng văn minh, ngắm nhìn công trình văn hóa của đất nước.
Giáo dục và văn hóa vốn được đề cao ở Pháp cho mọi lứa tuổi. Không phải ngẫu nhiên, nhiều người cầm bút, cầm cọ mơ đến Paris, thủ đô ánh sáng. Văn hóa và giáo dục được Pháp xác định là việc cần ưu tiên hàng đầu, phải có được sự đầu tư lớn nhất. Để đứng lớp ở các trường công, giáo viên, giảng viên đều phải có bằng sư phạm. Bằng này nhằm bổ túc kiến thức kỹ năng sư phạm cho những người không học hệ sư phạm nhưng muốn trở thành giáo viên ở các cấp, kể cả hệ mẫu giáo. Chuẩn hóa giáo dục là điều kiện bắt buộc ở Pháp.
TRẦN THU DUNG