Bình Dương: Công bố hiện vật là bảo vật quốc gia và hai di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Bình Dương công bố các quyết công nhận bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương, Bộ dụng cụ dệt bằng gỗ được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Phú Chánh (thị xã Tân Uyên) là một trong ba hiện vật quý của địa phương đã được công nhận bảo vật quốc gia. Bộ dụng cụ dệt bằng gỗ Phú Chánh có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I Công nguyên (cách ngày nay trên 2000 năm); tổng cộng có 23 hiện vật gồm trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc chưa xác định công dụng. Đây là những kết cấu của loại khung dệt mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Đông Nam Á vẫn còn sử dụng. Các chuyên gia khảo cổ xác định, Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh là hiện vật đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên của vùng đất Phú Chánh, rộng hơn là khu vực Nam Bộ và cả nước.
Di sản văn hóa phi vật thể nghề Gốm Bình Dương có lịch sử hình thành khoảng 200 năm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề gốm vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, trở thành một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng tại Bình Dương.
Nghề Gốm Bình Dương có lịch sử hình thành khoảng 200 năm, là thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước
Di sản Võ lâm Tân Khánh Bà Trà gắn liền với giai thoại về một cô gái tên Trà, vốn là binh sĩ thân tín của nữ tướng Bùi Thị Xuân, lánh nạn vào Nam định cư tại vùng Tân Khánh, nay là địa bàn Tân Phước Khánh (Bình Chuẩn) - Bình Dương. Để giúp người dân tự vệ, bảo vệ xóm làng và thành quả lao động thời kỳ khai phá lập làng, cô Trà đã dạy võ cho thanh niên trai gái trong làng để nâng cao sức khỏe và kỹ năng chống lại hiểm nguy. Từ các thế võ Tây Sơn – Bình Định, người dân Tân Khánh đã tiếp thu và tổng hợp các chiêu thức, thế võ, quyền cước khác của những người khai hoang, dần dần hình thành nên hệ thống kỹ thuật võ thuật mới, được gọi là Võ lâm Tân Khánh Bà Trà tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Võ lâm Tân Khánh Bà Trà hiện có hàng ngàn môn sinh, có mặt trên 10 tỉnh - thành phố trong cả nước.
Biễu diễn di sản văn hóa phi vật thể Võ lâm Tân Khánh Bà Trà
Ngoài hai di sản văn hóa phi vật thể nói trên, Bình Dương còn có di sản văn hóa phi vật thể nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết, sau khi các di sản văn hóa được công nhận, địa phương khẩn trương xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Trong đó, có phương án bảo vệ các bảo vật quốc gia với chế độ đặc thù, tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng hư hỏng hiện vật. Tạo thuận lợi cho người dân thực hành, sáng tạo và phát huy di sản. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá… để tôn vinh giá trị di sản văn hóa.
HOÀNG HẢI