Công tác thông tin đối ngoại: Bộ VHTTDL là “binh chủng” quan trọng
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VHTTDL đã lồng ghép các nội dung tại Kết luận số 16-KL/TW vào công tác quản lý, nhiệm vụ của Bộ
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực BCĐ Công tác thông tin đối ngoại, Trưởng Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 14.2.2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011- 2020 Bùi Trường Giang đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL, ngày 1.12.2020. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác.
Tận dụng mọi lợi thế để quảng bá hình ảnh Việt Nam
Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cho biết: “Bộ VHTTDL đã cụ thể hoá Kết luận số 16-KL/TW bằng việc xây dựng Chiến lược, ban hành các văn bản pháp quy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực VHTTDL nhằm đẩy mạnh việc chỉ đạo, định hướng, quản lý tuyên truyền thông tin đối ngoại của ngành. Trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 210/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược văn hoá đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Bộ đã ban hành Quy chế hoạt đối ngoại trong đó hướng dẫn các đơn vị trong công tác đối ngoại nói chung, với nội dung xuyên suốt là thông tin đối ngoại; tổ chức, quản lý và chỉ đạo nội dung các đoàn xúc tiến, quảng bá văn hoá, du lịch ở trong và ngoài nước; đón và quản lý các đoàn báo chí nước ngoài vào quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam; bổ nhiệm đại sứ du lịch Việt Nam…”
Bên cạnh đó, 8 năm qua, Bộ VHTTDL cũng tăng cường công tác định hướng, tuyên truyền giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ, thành tựu về đảm bảo quyền con người, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc các thế lực cơ hội, thù địch.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất có Chuyên đề của Trung ương về công tác đối ngoại
Công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng được Bộ VHTTDL đặc biệt chú trọng. Trong đó, đa dạng hoá hình thức, phương tiện thông tin, tranh thủ các lực lượng thông tin truyền thông, tăng cường xúc tiến, quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam bằng tiếng nước ngoài. Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, ngành đã chủ động, tăng cường chuyển đổi số, thích nghi với các mô hình thông tin trực tuyến, tích cực tham gia các hội nghị, roadshow quảng bá điểm đến du lịch bằng hình thức online…
Trong gần 1 thập kỷ qua, quá trình hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của ngành văn hoá, thể thao và du lịch. Có thể nói, những chương trình văn hoá và triển lãm, không gian văn hoá Việt Nam, những chương trình nghệ thuật đặc sắc đã góp phần tạo nên thành công chung của các sự kiện quốc tế lớn, mang ý nghĩa chính trị, vị thế quốc gia được nâng lên như: Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (2015), Năm APEC Việt Nam (2017), Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF – ASEAN), Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều (2019), Diễn đàn du lịch ASEAN (2019), Năm chủ tịch ASEAN (2020)… Hay như các sự kiện Năm Việt Nam, Tuần Văn hoá- du lịch Việt Nam, Ngày Văn hoá Việt Nam… tại các nước; Việt Nam tham gia các kỳ EXPO; tham gia và đoạt giải tại các giải thi đấu thể thao lớn của châu lục và thế giới; giành nhiều giải thưởng du lịch danh giá… đã góp phần nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của thế giới Việt Nam. Đó là một Việt Nam với lịch sử văn hiến lâu đời, văn hoá độc đáo, nhiều di sản thế giới, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, là điểm đến du lịch hấp dẫn, chính sách đầu tư thông thoáng…
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã trao đổi với Bộ về việc thực hiện 5 nội dung chính trong Kết luận số 16-KL/TW vào công tác quản lý, chức năng, nhiệm vụ của Bộ như thế nào? Điểm nào đang nghẽn và cần phải tháo gỡ? Những vấn đề gợi mở để thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong 10 năm tới như thế nào? Với vai trò là trục chủ lực trong công tác thông tin đối ngoại, Bộ VHTTDL đặt ra những mục tiêu cụ thể gì trong thời gian tới?
Đại diện của Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao đã đề xuất việc mở văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài và bổ nhiệm tham tán phụ trách du lịch ở các cơ quan đại diện ngoại giao để việc quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị tăng kinh phí cho việc thực hiện công tác thông tin đối ngoại ở nước ngoài trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Đoàn công tác Bùi Trường Giang đánh giá cao việc thực hiện Kết luận số 16-KL/TW của Bộ VHTTDL
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Sau 8 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã quán triệt một cách bài bản, nghiêm túc những nhiệm vụ trong Kết luận. Đây đều là những vấn đề khó, vừa toàn diện lại có tính trọng tâm, trọng điểm. Bộ đã thổi tinh thần thông tin đối ngoại từ những chỉ đạo của Bộ Chính trị vào nhiệm vụ của ngành mình và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, Bộ đã bám sát nhiệm vụ thứ 3, có sản phẩm cụ thể như đã trình bày ở trên. Qua đó, khẳng định với thế giới về một Việt Nam hoà bình, năng động, phát triển mạnh mẽ, muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới. Trên mọi mặt trận, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đều triệt để tận dụng lợi thế để quảng bá hình ảnh đất nước, nhất là ở những thị trường lớn, là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…”
Đề xuất có Chuyên đề của Trung ương về công tác đối ngoại
Cho rằng 5 nội dung trong Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị vẫn còn nguyên giá trị nhưng Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu trong quá trình thực hiện Bộ cũng gặp nhiều khó khăn. “Đặc biệt là hiện nay, những trào lưu, tư tưởng văn hoá ngoại lai xâm nhập và tác động ghê gớm đến đời sống văn hoá tinh thần, đời sống xã hội. Đã xuất hiện những khoảng trống trong lĩnh vực Điện ảnh khi hệ thống chiếu phim cấp tỉnh, huyện không còn. 87% phim được chiếu tại các rạp ở Việt Nam hiện nay là phim nước ngoài. Họ chiếu phim gì, ai sản xuất, sản xuất nội dung gì, phim Việt Nam nào được chiếu…? Hầu như chúng ta không ai kiểm soát được. Khán giả Việt Nam có thể khóc sướt mướt vì một bộ phim Hàn, chạy theo thần tượng xứ Hàn từ sân bay. Có phải vì chính sách của ta cởi mở quá không? Hay vì chúng ta chưa phát triển đúng tầm? Đó là những điều chúng ta phải nói thẳng và xem xét lại. Nếu không sớm có chính sách điều chỉnh thì chúng ta có nỗ lực bao nhiêu thì hiện trạng này cũng không giải quyết được”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 16-KL/TW với Bộ VHTTDL
Ông cũng nói lên những băn khoăn về việc chúng ta còn nghèo mà đầu tư thì quá dàn trải. Các trung tâm văn hoá hiện hữu ở các châu lục lớn, các đối tác chiến lược chúng ta chưa có được. Việt Nam đến nay mới có 2 Trung tâm văn hoá tại Lào và Pháp trên tổng số 6 Trung tâm được quy hoạch. Trong khi đó, với văn hoá, phải nhìn một cách sâu sắc là đầu tư cho tương lai, sinh lợi cũng trong tương lai, không thể ngày một ngày hai được và phải có sự đầu tư thích đáng. Việc không có lực lượng chuyên trách để làm công tác thông tin đối ngoại trong ngành khiến thực hiện nhiệm vụ chưa đi vào chiều sâu, không tạo được sự liên kết với nhau. Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần có sự phân công rõ ràng và điều hành tổng quát thì hoạt động này hiệu quả sẽ cao hơn.
“Trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt vấn đề rất lớn là đối ngoại, quốc phòng an ninh. Chưa bao giờ Trung ương thảo luận sâu về vấn đề này như hiện nay và vẫn xác định phải tăng cường hoạt động đối ngoại. Vì thế, nên có một Chuyên đề của Trung ương khoá XIII về công tác đối ngoại. Đã đến lúc phải nhìn lại, đánh giá lại toàn bộ công tác đối ngoại chứ không chỉ về thông tin đối ngoại”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Đánh giá cao việc thực hiện Kết luận số 16-KL/TW của Bộ VHTTDL thời gian qua, ông Bùi Trường Giang cho rằng: “Bộ VHTTDL là “binh chủng” quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại. Những triển khai nhiệm vụ của Bộ đã cung cấp thông tin chính thống cho xã hội, phát huy “sức mạnh mềm”. Tuy nhiên, Bộ cần theo dõi thêm tình hình thế giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, quá trình cạnh tranh chiến lược với các nước lớn. Đồng thời nhận diện trong bối cảnh hiện nay có những thách thức gì và những giải pháp nào để phát triển trong 10 năm tới? Những đề xuất việc nâng tầm của BCĐ thông tin đối ngoại, phát triển các Trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài, có cơ chế đặc thù cho người làm thông tin đối ngoại là rất đáng chú ý. Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, bộ, ngành cũng cần rõ ràng, chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả của công tác này, trên hết là bảo vệ tốt lợi ích quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thế giới”
THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN