A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sắc lễ hội “rước lộc” đầu năm ở Chợ Gò

VHO-Là một trong 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam, Chợ Gò ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đã trở thành điểm đến truyền thống ngày đầu năm của người dân. 

Mua trầu cau đầu năm để cầu mong cho tình nghĩa vợ chồng gắn kết keo sơn 

Như tục lệ, cứ đúng mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán, người dân cũng như du khách được dịp đi “rước lộc” đầu năm ở Chợ Gò, mua lá trầu, miếng cau, hạt muối và hòa mình với không khí của lễ hội. Cái hay, độc đáo ở Chợ Gò là giữa người bán và người mua luôn vui tươi, nhẹ nhàng. Đấy là nét đẹp truyền thống, vì thế chợ đã cuốn hút và trở thành điểm hấp dẫn dành riêng trong ngày đầu năm mới của người dân vùng quê.

Đi Chợ Gò để vui xuân dân gian hơn là đi chợ. Từ người bán đến khách hàng đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ, mặt tươi như hoa. Các bà, các cô, thiếu nữ… phấn son trang sức lộng lẫy như dự lễ cưới. Từ đêm 29 Tết đến mờ sáng ngày đầu năm mới của mùng 1 Tết, chợ đã bắt đầu nhóm. Ai đến trước bày hàng trước, ai đến sau kế tiếp thành dãy. Không ai đứng ra xếp đặt, trật tự, không hề tranh giành bán buôn theo lối kẻ chợ thông thường.

Lê Thị Kiều Trang, 23 tuổi ở xã Phước Thuận đã có những năm tháng gắn bó với Chợ Gò đầu năm, từ lúc cô còn là một học sinh cấp THCS. “Em không nhớ chính xác cho lắm, nhưng tầm học lớp 9 thì em theo mẹ lên Chợ Gò bán muối trong ngày mùng 1 Tết đầu năm. Năm nay, khoảng 4-5 giờ sáng, cả hai mẹ con cùng nhau trở muối từ vùng quê lên chợ để bán muối đầu năm. Mẹ em bảo, theo quan niệm của người xưa “muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, các mối quan hệ làm ăn tốt đẹp”… cho nên ngày đầu năm mới, người đi chợ ai cũng mua túi muối lấy may mắn” cô gái này chia sẻ. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cam (ở xã Phước An) đã không còn nhớ rõ bao nhiêu độ xuân bà gánh trầu, cau và vôi đến Chợ Gò để bán. Theo bà Cam, mua trầu với cau đầu năm là để cầu mong cho tình nghĩa vợ chồng gắn kết keo sơn như trầu với cau.

Theo quan niệm, đầu năm mua muối tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình và đem lại may mắn

Tại Chợ Gò không chỉ bán trầu, cau mà người dân bày bán rau muống, đu đủ… Hỏi ra, nhiều người dân cho hay, người đi mua rau muống là để “muốn gì được nấy”. Riêng mua đu đủ để cầu mong năm mới làm ăn đủ đầy, còn mua sung là để cầu được sự sung mãn và mua khổ qua là để cầu mong cho những cơ cực, khổ sở của năm cũ qua đi để có một năm mới hưng thịnh… Ở Chợ Gò, người dân và du khách đi chợ bị cuốn hút không chỉ bởi cảnh đẹp, những sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người bán lẫn người mua, không so kè giá cả, chỉ mong mua bán lấy may, coi như mang “ rước lộc” đầu năm vào nhà.

Theo nhiều người lớn tuổi kể lại, xưa kia dưới chân núi Hàm Long, bên bờ sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại, Chợ Gò là nơi quân sĩ nhà Tây Sơn và người dân vui chơi trong những ngày Tết cho vơi nỗi nhớ nhà. Giờ nối tiếp vẻ đẹp truyền thống và niềm tự hào, Chợ Gò trở thành nơi giới thiệu nhiều di sản, nét đẹp văn hóa truyền thống cho người dân và du khách như Hội đánh bài chòi cổ, biểu diễn võ cổ truyền, hội thi đánh cờ...

Mua rau muống là để “muốn gì được nấy” trong một năm

Những năm qua, huyện Tuy Phước đang cố gắng khôi phục cũng như giữ gìn nét đẹp truyền thống vùng quê của Chợ Gò. Đáng nói hơn, năm 2018 được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện Tuy Phước phối hợp với Sở VHTT Bình Định làm hồ sơ xin trình xét duyệt Chợ Gò là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và tin rằng trong tương lai gần nhất, nếu được công nhận lễ hội Chợ Gò sẽ có điều kiện được đầu tư và du khách sẽ biết đến nhiều hơn.

PHAN HIẾU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...