Về di sản Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Các chuyên gia văn hóa nói gì?
Nguồn ảnh: Internet
PGS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền
Liên quan đến những ý kiến nhiều chiều xung quanh việc di sản văn hóa phi vật thể lễ giỗ bà Phi Yến được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dưới góc độ nghiên cứu về di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, trước hết, tôi muốn khẳng định quan điểm rằng, trong bất cứ giai đoạn nào chúng ta đều không thể phủ nhận nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng. Bà Hoàng Phi Yến dù không phải nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng lại là nhân vật được cộng đồng sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, được cộng đồng cư dân ở Côn Đảo thờ phụng từ xa xưa va coi đó là hạt nhân tín ngưỡng (yếu tố thiêng) của lễ hội tại Miếu An Sơn, ngày nay được xác định là Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến.
Thứ hai, để trả lời câu hỏi vì sao có hiện tượng này? Từ góc độ tiếp cận về di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta thấy rằng những nhân vật sáng tạo từ cộng đồng, như nhân vật Bà Phi Yến, đều xuất phát từ mong muốn tạo nên “bệ đỡ” về văn hóa tâm linh, nhằm lấp đầy khoảng trống trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đó là nhu cầu rất lớn của người dân, tạo niềm tin vững chắc để tránh sự hụt hẫng về tinh thần. Việc người dân ở Côn Đảo thờ Bà Phi Yến đang là một tín ngưỡng có thật, là nhân vật được người dân ở địa phương tôn sùng, chính quyền và cộng đồng người dân đều lấy đó là tín ngưỡng hàng đầu trong đời sống ở Côn Đảo.
Nhân vật Bà Phi Yến cũng như nhiều nhân vật đã được các cộng đồng cư dân sáng tạo nên cũng thường được tôn sùng với những sức mạnh, công lao đặc biệt. Tín ngưỡng thờ Bà Phi Yến trên đảo cùng các thực hành văn hóa liên quan, với tính thiêng đã gắn với niềm tin tín ngưỡng và đời sống văn hóa của cư dân trên đảo qua nhiều thế hệ, để từ đó trở thành nhân tố gắn kết tinh thần, sức mạnh cộng đồng. Đến nay, việc thực hành di sản này đang tiếp tục phát huy giá trị trong bối cảnh đời sống đương đại của cư dân ở Côn Đảo. Đặc biệt, không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống cộng đồng, lễ giỗ bà Phi Yến hiện nay đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sức thu hút với đông đảo du khách đến Côn Đảo và đến thăm đền Bà Phi Yến mỗi năm.
Về mặt trình tự, quy định pháp luật, việc di sản Lễ giỗ bà Phi Yến được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã tuân thủ đúng mọi quy định tại Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật có liên quan.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003, UNESCO (nhiệm kỳ 2017-2020)
Khi ghi danh một di sản trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hoặc di sản cần được bảo vệ khẩn cấp theo Công ước 2003, hoặc trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì đều phải tuân thủ các trình tự theo quy định văn kiện, pháp luật; các di sản được ghi danh phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định pháp luật. Điều 10, Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia quy định: Di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Khi nhìn nhận một di sản dưới góc độ là di sản văn hóa phi vật thể thì luật pháp Việt Nam và Công ước của UNESCO đều phải nhìn nhận đó là một di sản sống, đang được cộng đồng thực hành. Mặt khác, không yêu cầu phải phân tích chi tiết lịch sử hình thành, quá trình phát triển mà quan tâm hơn đến chức năng, giá trị của di sản được cộng đồng duy trì và thực hành ra sao, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng như thế nào; di sản phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ…
Về nhân vật bà Hoàng Phi Yến, trên thực tế, tại nhiều cộng đồng, địa phương cũng đã có những nhân vật được sáng tạo tương tự. Những nhân vật đó được sáng tạo để thờ phụng, có vai trò quan trọng như một vị Thánh Mẫu, bảo trợ cho đời sống cộng đồng, sức khỏe ,công việc, hay bảo vệ mùa màng, thậm chí chủ quyền biển đảo... Mỗi nhân vật được thờ cúng trong tâm thức người Việt Nam đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có thể là nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại, nhưng cơ bản nhất đó là vị thần che chở cho cộng đồng. Việc thờ phụng nhân vật đó cũng gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần, với nghề nghiệp, công việc và nhu cầu đời thường của người dân...
Nguồn ảnh: Internet
Trong tâm thức cộng đồng thực hành di sản, Bà Phi Yến là một nhân vật thờ cúng, là niềm tin tín ngưỡng để người dân trên đảo hướng đến cầu mong những chuyến đi biển bình an, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tiếp cận dưới góc độ di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội bà Phi Yến đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo pháp luật quy định để được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hội đồng thẩm định bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mà địa phương đệ trình, bao gồm lý lịch di sản văn hóa phi vật thể, 10 ảnh, video về di sản, bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cá nhân hoặc đại diện của nhóm, cộng đồng chủ thể văn hóa, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể, Tờ trình của UBND tỉnh và một số tài liệu đi kèm khác theo quy định của Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL. Văn bản hồ sơ di sản làm rõ truyền thuyết về Bà Phi Yến đã được lưu truyền bằng truyền khẩu từ đời này qua đời khác, phản ánh triết lý nhân sinh quan phong phú của người dân nơi đây. Hoàng Phi Yến đại diện cho mẫu hình của người phụ nữ Việt Nam, luôn đặt danh tiết lên trên hết. Đức tính cao đẹp ấy của Bà trở thành một biểu tượng về phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Bà là điểm hội tụ đức tin của lớp người đi khai hoang mở đất, lập nghiệp. Niềm tin và khát vọng đó được trao truyền, vun đắp qua nhiều thế hệ để tạo nên sức mạnh tinh thần của người Việt.
Dưới góc độ di sản văn hóa phi vật thể, điều quan trọng là di sản đó được cộng đồng thực hành, có chức năng, ý nghĩa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Và như tôi đã nói, điều quan trọng nhất chính là bởi cộng đồng coi di sản đó thể hiện bản sắc văn hóa, sự kế tục, và là một sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Cũng phải nhấn mạnh thêm, quyền sáng tạo là của cộng đồng chủ nhân di sản, việc tạo nên nhân vật có sức mạnh siêu phàm hoặc danh xưng liên quan đến vương quyền cũng nhằm củng cố, gia tăng thêm sức mạnh niềm tin rằng nhân vật thờ cúng đó có quyền năng trợ giúp cuộc sống của người dân. Nhân vật bà Phi Yến vì thế cũng là một nhân vật được cộng đồng gửi gắm niềm tin, củng cố tinh thần đoàn kết, tăng thêm sức mạnh để cộng đồng cư dân tại Côn Đảo vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Xét các tiêu chí để ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hồ sơ di sản lễ giỗ bà Phi Yến đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo luật định. Mặt khác, quá trình thực hành di sản cũng không có nội dung gì vi phạm pháp luật. Đối với cộng đồng cư dân ở Côn Đảo, đây là lễ hội mang tính thiêng, có vai trò quan trọng về mặt văn hóa tâm linh đối với đời sống cư dân. Thực tế di sản đang được thực hành và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng cũng cho thấy việc ghi danh, đưa di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoàn toàn tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật.
PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu (nguyên PGĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
Thông qua các thông tin mà tôi tiếp cận được, tôi thấy việc đưa lễ Giỗ bà Phi Yến vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được thực hiện đúng các quy định hiện hành. Bởi di sản này đáp ứng đủ các tiêu chí trong Thông tư 04/2010 để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ Giỗ bà Phi Yến cũng là một biểu đạt văn hóa/thực hành văn hóa đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trong Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, cũng như phù hợp với Luật Di sản văn hoá… để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, “yếu tố thiêng”, nhân vật trung tâm được thờ tự - bà Phi Yến lại được dân gian sáng tạo trong mối quan hệ với một nhân vật quan trọng, có thực, và có thể được minh định bằng tư liệu lịch sử. Và trong cách huyền thoại hóa có những chi tiết nhằm đề cao giá trị đạo đức của “nhân vật thiêng” của dân gian, lại tạo nên bức xúc cho dòng tộc của nhân vật có liên quan. Bởi thế đã gây nên những tiếng nói trái chiều.
Việc rút hay để lại sự biểu đạt văn hóa/thực hành văn hóa về lễ Giỗ bà Phi Yến trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, theo tôi cần nhìn nhận từ quan điểm tôn trọng các giá trị văn hóa và ý nguyện của cộng đồng chủ thể. Những giá trị di sản xuất phát từ tín ngưỡng, niềm tin của cộng đồng; được thực hành và trao truyền qua các thế hệ; góp phần quan trọng trong liên kết cộng đồng và tạo sức mạnh tinh thần cho cộng đồng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đối với di sản lễ giỗ Bà Phi Yến, còn có giá trị quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo... Một khi mà cộng đồng còn gắn kết và di sản có sức sống lâu bền thì chúng ta nên tôn trọng ý nguyện của chính cộng đồng. Đương nhiên khi đã có ý kiến trái chiều cũng cần thảo luận, làm rõ để chia sẻ quan niệm đúng đắn.
HÀ THANH (thực hiện)