A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới

VHO- Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Phó chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn hoá phát biểu tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2020 và định hướng công tác năm 2021 do Tiểu ban Văn hoá (Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam) tổ chức chiều 7.1 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì cuộc họp

Theo bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Thường trực Tiểu ban Văn hoá, trong năm 2020, dù công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai nhưng Tiểu ban Văn hoá vẫn hoàn thành tới hơn 90% tổng số 55 nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, nổi bật là việc Việt Nam thực hiện Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới qua việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hoàn thành công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện việc bảo vệ di sản, xây dựng quy chế bảo vệ di sản, quản lý di sản, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ bảo tồn di tích…

Tiểu ban cũng đã hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ khoa học di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trình UNESCO ghi danh như: Khu di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương); Óc Eo (An Giang); địa đạo Củ Chi (TP.HCM); vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng). Phối hợp với các đơn vị liên quan của Lào hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn quốc gia Hin Nậm Nô của bạn là Di sản thiên nhiên thế giới.

Cũng trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các sự kiện quảng bá, tuyên truyền các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới của Việt Nam phần lớn được chuyển sang hình thức trực tuyến.

Năm 2020, Tiểu ban Văn hoá đã hoàn thành trên 90% nhiệm vụ đề ra mặc dù ảnh hưởng lớn từ đại dịch và thiên tai

Việc thực hiện Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá cũng được Việt Nam chú trọng, đạt hiệu quả cao. Năm 2020, trình và được Thủ tướng Chính phủ công nhận 24 bảo vật quốc gia. Việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã có những bước tiến rõ rệt hơn. Hầu như không còn tình trạng thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ VHTTDL (trường hợp khai quật thông thường), của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (trường hợp khai quật khẩn cấp).

Việc tự ý tìm kiếm, đào bới, làm sai lệch hoặc gây nguy cơ xâm hại, huỷ hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ, trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát việc buôn bán cổ vật, điều chỉnh một số quy định liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu đồ cổ và di vật, cổ vật. Phổ biến, nâng cao hiểu biết pháp luật và nhận thức về các di tích, di chỉ khảo cổ; cấp phép thăm dò, khai quật 14 địa điểm khảo cổ học.

Đối với Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, ngoài thực hiện các nghĩa vụ thành viên và hợp tác quốc tế, Tiểu ban cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch mở rộng Danh sách di sản văn hoá phi vật thể dự kiến cho phép lập hồ sơ đề trình UNESCO trong thời gian tới; thực hiện công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa hoach di sản văn hoá phi vật thể đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đồng thời, xây dựng và triển khai các đề án, dự án bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể như: Phục hồi bài bản cổ và hiệu chỉnh khuôn thước Ca trù để truyền dạy tại nhiều câu lạc bộ ở Hải Phòng; truyền dạy và phát huy nghệ thuật múa Sư tử dân tộc Tày, Nùng tại Lạng Sơn; truyền dạy Hò Như Lệ trong cộng đồng tại Quảng Trị; sưu tầm và truyền dạy kỹ thuật trang trí, Nhà hoả tàng của người Chăm Bà la môn ở Bình Thuận; sưu tầm và truyền dạy Nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu tại Hà Nội, hát khắp Nôm của người Tày, Nghề chạm bạc trang sức của người Dao Đỏ tại Lào Cai, nghề đan nón của người Tày ở Tuyên Quang…

Việc bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể được đẩy mạnh ở các địa phương

Việc thực hiện Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá, thực hiện Chương trình Ký ức thế giới và các nhiệm vụ khác cũng được Tiểu ban Văn hoá nỗ lực hoàn thành với hiệu quả cao; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, năm 2002, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai khắc nghiệt, các di sản văn hoá và thiên nhiên, di sản văn hoá phi vật thể, các lễ hội, hoạt động tôn giáo… đều bị đóng cửa, hoãn huỷ, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng dân cư. Việc số hoá di sản, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực di sản dù đã được thực hiện nhưng vẫn nằm ngoài khả năng của phần đông người dân, hiệu quả quảng bá vì thế cũng không đạt như mong muốn.

Việc lập đề án bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể trong Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia còn hạn chế do thiếu kinh phí. Việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các Ban/ Trung tâm quản lý Di sản thế giới ở một số địa phương còn bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản còn hạn chế. Nguồn nhân lực quản lý di sản chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn, thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm về bảo tồn di tích, giỏi ngoại ngữ để tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế.

Công tác tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp tới từng di sản, phát huy được nét đặc thù của địa phương hiệu quả chưa cao, sản phẩm văn hoá phục vụ du lịch còn nghèo nàn.

Năm 2021, Tiểu ban Văn hoá sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới của Cát Bà- Hạ Long và một số di sản khác

Năm 2021, Tiểu ban Văn hoá đề ra 8 nhóm nhiệm vụ với nhiều đầu việc, lộ trình và phương thức, giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới (Ba Bể- Na Hang, Óc Eo, Hạ Long- Cát Bà, Yên Tử…). Đồng thời theo dõi các hồ sơ đã trình UNESCO như Nghệ thuật xoè Thái, nghệ thuật làm gốm Chăm, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, phối hợp với Hàn Quốc khởi động lại hồ sơ đa quốc gia về nghệ thuật sơn mài… Đồng thời, quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam thông qua các di sản thế giới.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ lưu ý các thành viên tiểu ban và đơn vị liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ mới. Trong đó, đề xuất xây dựng Mạng lưới thành phố sáng tạo cần có văn bản hướng dẫn các địa phương đăng ký tham gia, dự kiến danh sách, xây dựng hồ sơ theo 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh (Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc), tham gia mạng lưới, lựa chọn các thành phố phù hợp để xây dựng hồ sơ tham gia. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương thúc đẩy nhanh hồ sơ của Hạ Long- Cát Bà, Yên Tử, Óc Eo… đề cử công nhận di sản thế giới. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan, tận dụng kinh nghiệm quốc tế, huy động các nguồn lực tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. "Cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ năm 2021 của Tiểu ban Văn hoá (Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam) trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên cả nước. Hướng dẫn cho các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ và huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ lưu ý.

NGUYỄN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...