Phòng trưng bày ứng dụng công nghệ hiện đại về phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến
Phòng trưng bày có diện tích 400m2 với gần 160 hiện vật, hình ảnh và tư liệu. Với việc ứng dụng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ trưng bày mới tạo nên sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, những câu chuyện kể hiện vật, các bài học lịch sử thông qua các trang thiết bị, công nghệ trở nên sinh động hơn. Các công cụ thiết bị trình chiếu sẽ hỗ trợ công chúng tham quan tương tác và trải nghiệm với mô hình bảo tàng ba chiều (3D) thông qua thiết bị trình diễn Hologram kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360 độ trong trưng bày bảo tàng số, công nghệ hỗ trợ thực tế ảo (VR)… mang đến cho người xem nhìn thấy các hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không khí mà không cần đến màn hình chiếu sáng và xem hiện vật ở nhiều góc độ khác nhau. Người xem cảm nhận được hiện vật có thật, lơ lửng trong không trung mà không cần phải đeo một thiết bị hỗ trợ hiển thị nào khác.
Công chúng tham qua hiện vật thông qua thiết bị trình diễn Hologram - lần đầu tiên có mặt tại TP.HCM
Phòng trưng bày còn tạo thuận lợi cho khách tham quan tương tác, đứng trước những kios thông tin, du khách tham quan có thể chọn nhiều vị trí tham quan hay chuyên đề, chỉ cần thao tác click vào nơi mình cần đến, mở nội dung hiện vật cần xem, tra cứu các bài viết, sự kiện… và muốn xem rõ hình ảnh hiện vật sắc nét với màu sắc, từng vết sướt, vết thời gian…
Chuyên đề “Khuôn bánh dân gian Nam Bộ” giới thiệu đến công chúng những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người dân phương Nam thông qua các món bánh dân gian truyền thống vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay. Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đón nhận bức tượng đồng chân dung cô Ba Định (Nữ tướng Nguyễn Thị Định – vị nữ tướng đầu tiên của Việt Nam) và cô Võ Thị Sáu. Hai bức tượng đồng được đúc từ hình ảnh tư liệu của Bảo tàng đang lưu trữ và sẽ được đặt trong phòng trưng bày ứng dụng công nghệ hiện đại.
H. HẢI