A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết chế văn hóa nhìn từ rạp hát (Bài 2) TP.HCM: Nhà hát mà không có... "nhà"

VHO- TP.HCM với số dân trên 10 triệu người, nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa giải trí là vô cùng lớn. Thế nhưng cho đến nay, địa phương vẫn chưa có được những nhà hát xứng tầm. Số lượng nhà hát có thể biểu diễn nghệ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn đã xuống cấp, thậm chí mang tiếng là nhà hát nhưng nhiều nhà hát mà không có… “nhà”. Đây cũng là địa phương có số lượng công trình văn hóa tính trên đầu người thấp nhất trong các TP trực thuộc Trung ương.

 Nhà hát Kịch TP.HCM hiện sửa chữa chưa biết khi nào hoàn thành

Bên cạnh câu chuyện xuống cấp, còn phổ biến tình trạng thiếu sân khấu phù hợp để biểu diễn từng loại hình, điều kiện tập luyện tạm bợ, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu cũng là nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật TP.HCM hiện nay.

Nhà hát mà không có… “nhà”

Mới đây, chúng tôi có dịp đến Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM để xem công diễn vở Chiếc áo thiên nga - tác phẩm trước thềm Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022, thật sự không khỏi chạnh lòng khi nhà hát xuống cấp trầm trọng. Nhiều hàng ghế trong nhà hát không thể ngồi được vì bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều ghế khác bị trầy xước, cũ kỹ, nền ẩm thấp,… vừa ngồi xem mà khán giả phải rón rén vì sợ ghế gãy.

Trước đó thời gian dài, chúng tôi không có dịp lui tới nhà hát vì chỉ xem Hát Bội diễn ở các lăng, đình, công viên, trường học,… nên không biết rằng trang thiết bị nhà hát đã xập xệ đến mức như vậy. Thế nhưng, đơn vị này vẫn còn chốn đi về, vẫn còn sân khấu để có thể biểu diễn, tập dượt mà không phải đi thuê mướn, đã là may mắn hơn nhiều đoàn nghệ thuật khác.

Trường hợp chúng tôi muốn nói đến là Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM (HBSO). Từ khi thành lập đến nay, HBSO đã không ngừng cho ra đời những sản phẩm tinh thần đặc sắc phục vụ khán giả thành phố và đặc biệt du khách quốc tế. Hiện mỗi tháng Nhà hát đều có vài suất diễn được đầu tư chỉn chu để phục vụ khán giả. Thế nhưng từ năm 1993 tới nay, HBSO vẫn trong hoàn cảnh “một chốn ba nơi”: Phòng tập múa phải thuê ở số 81 đường Trần Quốc Thảo; dàn nhạc tập luyện cũng là kho của nhà hát thì thuê ở một nơi khác; và phòng làm việc được đặt dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố. Trung bình mỗi năm, HBSO phải chi một số tiền lớn cho việc thuê mướn điểm diễn và tập luyện. Được biết, dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP với mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng là một trong các công trình văn hóa trọng điểm của TP.HCM, có quyết định đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, vì thế mong mỏi về một cơ ngơi đàng hoàng của HBSO còn khá xa vời.

Trước tình trạng thiếu sân khấu biểu diễn, cách đây không lâu, Ban đào tạo - ban biểu diễn của Hội Sân khấu TP.HCM đã ra mắt sân khấu Sen Việt nằm ở tầng 1 của trụ sở hội, số 5B Võ Văn Tần, quận 3. Đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt, ủy viên ban chấp hành hội đã bỏ tiền túi gần 2 tỉ đồng để sửa chữa, xây dựng sân khấu. Sân khấu Sen Việt gồm sân khấu nhỏ với 100 ghế chuyên biểu diễn và một khán phòng 50 ghế có sàn diễn nhỏ để đào tạo ngắn hạn, nơi đây còn là phòng kỹ thuật, hóa trang, phục trang và bàn thờ Tổ… Các buổi biểu diễn của Sen Việt ngay sau đó đầy ắp khán giả, mọi người gói ghém với nhau trong một không gian ấm cúng, nhưng cũng có một cách nói khác, đó là khá chật chội. “Sân khấu Sen Việt là sân khấu thử nghiệm - không thử nghiệm không được vì nó đâu có đủ chuẩn để làm sân khấu. Trong không gian thách thức những người làm nghề, thì đòi hỏi cả ê kíp phải chấp nhận và đặt ra nhiều bài toán cho mình, tìm cách giải đáp bài toán đó để có được sự đồng lòng, đồng thuận của khán giả khi đến với tác phẩm. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải gian nan hơn rất nhiều để thuyết phục khán giả yêu sân khấu như trước đây”, NSƯT Lê Nguyên Đạt tâm sự.

Ông Nguyễn Anh Kiệt, Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM cho biết thêm: “Nhà hát Kịch TP vẫn còn sửa chữa nên thiết chế đã thiếu nay càng thiếu hơn. Xưa kia có được Nhà hát Kịch thì cũng đỡ phần nào, vừa diễn chương trình của nhà hát, vừa cho đơn vị khác thuê, nay thì đến bản thân chúng tôi muốn diễn cũng phải đi thuê”.

 Không có cơ ngơi, hiện phòng làm việc của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM đặt dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố

Rạp thiếu chuẩn, giá thuê cao

Một nghệ sĩ gạo cội bày tỏ, trong khi nhu cầu biểu diễn nghệ thuật tại thị trường sôi động như TP.HCM là vô cùng rộng lớn, thế nhưng số lượng nhà hát trên địa bàn TP chỉ đếm trên đầu ngón tay, quanh đi quẩn lại chỉ có Nhà hát TP.HCM, rạp Hưng Đạo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình… là khá ổn, nhưng giá thuê lại cao, khiến các đoàn e dè vì khiến chi phí đầu tư cao, thu không đủ bù chi.

Theo NSƯT Kim Tử Long, sân khấu hoạt động cho loại hình cải lương hiện chỉ còn rạp Hưng Đạo, vì thế không thể đáp ứng được hết nhu cầu cho các đoàn. “Thế nhưng ngay cả rạp Hưng Đạo cũng ít ghế, giá thuê cao chính là rào cản khiến chúng tôi ngại đầu tư cho vở diễn. Rạp nhỏ nên chỉ có sân khấu để diễn, chúng tôi không có nơi để cảnh trí, đạo cụ nên lại phải thuê thêm một nơi khác. Tôi mong muốn nếu nhà nước ủng hộ cải lương thì đầu tư rạp hát, rồi cho thuê với giá ưu đãi cho các đơn vị, có được vậy anh em nghệ sĩ như chúng tôi rất mừng”, nghệ sĩ nói.

Cùng tâm tư, nghệ sĩ Chí Linh (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà) bày tỏ, bên cạnh nhiều nỗi khó của anh em nghệ sĩ tại TP.HCM khi muốn làm một vở cải lương hay, đáp ứng nhu cầu khán giả, đó chính là rất ngại tiền thuê rạp, mướn sân khấu. Cụ thể như muốn diễn ở Nhà hát Bến Thành thì phải chịu mức thuê khoảng 60 triệu đồng/đêm, Nhà hát TP.HCM khoảng 40 triệu đồng… “Ở rạp Hưng Đạo, mới đây nhất, chúng tôi dựng live show cho nghệ sĩ Hoàng Hải, thì chi phí ưu đãi nhất đã là 35 triệu đồng cho các đêm phúc khảo, chạy đường dây và đêm diễn chính (từ ngày 7-9.7). Đó là chương trình có tài trợ thì mình còn có sức để làm, còn nếu các đoàn xã hội hóa tự trả chi phí thì giá đó rất căng thẳng, thu không đủ bù chi”, nghệ sĩ này nói. Chí Linh cũng cho hay hiện tại để tập vở diễn, ê kíp phải thuê một chỗ ở khu phố, nhờ gia đình người quen thương cho thuê, nên chi phí là 200.000 đồng/ngày. “Chi phí như vậy thì chúng tôi mới chịu nổi, chứ nếu thuê rạp để tập thì không kham nổi. Tôi biết có nhiều sân khấu, các anh em nghệ sĩ phải tìm quán cà phê hay không gian riêng tư nào đó để thảo luận, tập tuồng, rất gian nan khi tình hình thiếu sân khấu như hiện nay tại TP.HCM”, nghệ sĩ Chí Linh buồn bã.

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, hệ thống nhà hát và các thiết chế để đáp ứng nhu cầu biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật của TP.HCM hiện nay đang thiếu trầm trọng. Những nhà hát đang có thì sử dụng không hiệu quả, một số thì cũ kỹ, xuống cấp. Ví dụ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mới đầu tư nâng cấp nhưng không đạt yêu cầu vì trần rất thấp, nhỏ; Nhà hát lớn Thành phố có trang thiết bị tốt, nhưng vì giá thuê cao, thành ra các đơn vị xã hội hóa không vô diễn được. Một số nhà hát khác, như Nhà hát Kịch TP.HCM thì đang sửa chữa, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội xuống cấp trầm trọng… Tương tự, cải lương hay ca nhạc nhẹ cũng không có nhà hát của riêng họ, nhà hát cho thiếu nhi cũng không có,…

“TP.HCM đang thiếu nơi biểu diễn cho từng loại hình, từng lứa tuổi đối tượng, bên cạnh đó phương tiện cũ kỹ, thậm chí có nhà hát thì không đủ chỗ giữ xe… Trong khi chúng ta biết rằng, nhà hát phải đẹp, to rộng và đủ chức năng thì mới có thể dựng được những vở hoành tráng, nhà hát nhỏ quá thì sự sáng tạo của anh em nghệ sĩ rất khó… Tôi cho rằng cần nhanh chóng có khảo sát và đầu tư nhà hát, thậm chí là các cụm nhà hát. Bản thân tôi nhiều khi muốn đi thuê mà không có chỗ để thuê”, đạo diễn Hoàng Duẩn bày tỏ.

THÙY TRANG

Bài 3: 61 tỉnh, thành - bức tranh u ám


Tags: văn hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...