A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng: Quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực

VHO- “Tôi đồng tình với việc xác định chủ đề và nội dung "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" của ngành VHTTDL trong năm 2022, thể hiện quyết tâm của Ngành trong chỉ đạo thực hiện, tạo sự đột phá, chuyển biến thực chất hơn việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cấp cơ sở, tạo tiền đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ phát động

Tại Lễ phát động diễn ra tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An ngày 14.3, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhất là những lời Bác dạy về xây dựng đời sống mới.

Làm cho đời sống của dân đầy đủ hơn về vật chất, lành mạnh hơn về tinh thần

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết rất phấn khởi tới dự Lễ phát động "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" của ngành VHTTDL. Đây là một hoạt động thiết thực của Ngành trong việc tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua. Lễ phát động hôm nay càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại địa danh Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An- quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; sự chủ động, nỗ lực của ngành Văn hóa, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu được chú trọng. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được lan tỏa trong đời sống xã hội… Tất cả những thành quả ấy đã góp phần tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của Nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa…

Môi trường văn hóa là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc được hình thành, gìn giữ và phát huy; là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới, nơi tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn – sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân… Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh".

"Nhân đây tôi xin nhắc lại. Cách đây 75 năm, trong bối cảnh khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với bút danh Tân Sinh, Bác Hồ đã viết tác phẩm Đời sống mới. Người căn dặn: "Thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính" và "Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm… Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới". “Bác Hồ nhấn mạnh, thực hành đời sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ cội nguồn là mỗi người, mỗi gia đình, làng xã… Những lời Bác chỉ dạy về đời sống mới từ 75 năm trước, đến nay vẫn là căn cứ quan trọng để chúng ta triển khai xây dựng môi trường văn hóa hôm nay”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhắc nhở.

Môi trường văn hóa là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc được hình thành, gìn giữ và phát huy

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội, bắt đầu từ cơ sở

Cho biết đồng tình với việc xác định chủ đề và nội dung "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" của ngành VHTTDL trong năm 2022, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá việc này thể hiện quyết tâm của Ngành trong chỉ đạo thực hiện, tạo sự đột phá, chuyển biến thực chất hơn việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cấp cơ sở, tạo tiền đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội. Đồng thời đồng chí đã nêu một số ý kiến có tính chất gợi mở để các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ Quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và ngành VHTTDL nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt lên ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam phát triển toàn diện. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh,

Góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan mô hình điểm về đời sống văn hóa tại xóm 6 xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Hai là, đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, nếp sống, lối sống cho mỗi người. Kế thừa giá trị tuyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm giáo dục, rèn luyện, phát triển về lý tưởng, năng lực, phẩm chất, nhân cách, lối sống và giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh… Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Ba là, gắn các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thông mới, đô thị văn mình. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để Nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh tại cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", nhân đạo, từ thiện. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo gắn bó với các dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, "tốt đời, đẹp đạo".

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa thành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các cấp, các ngành. Trước mắt, để tạo đột phá trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, ngành Văn hóa phải chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình mới về việc cưới, tang, lễ hội theo hướng văn minh, tiết kiệm, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, coi trọng giá trị văn hóa tinh thần, đề cao tính giáo dục, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của mọi người trước các sự kiện cộng đồng. Tôi đề nghị, phải tập trung làm rõ, tạo chuyển biến thực sự về việc cưới, tang, lễ hội, xác định là một nội dung cần thiết trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở tới đây.

Đồng chí Võ Văn Thưởng tặng quà cho xóm 6 xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Năm là, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại cơ quan, đơn vị, gia đình. Phải coi trọng tuyên truyền giáo dục để mọi người hiểu và làm theo. Bác đã dạy: "Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương… Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi… Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước.

Bên cạnh việc tuyên tuyền, giáo dục, thuyết phục, vận động, cần duy trì nghiêm kỷ cương xã hội với chế tài phù hợp để bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống, nếp sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trở thành ý thức tự giác chấp hành của mỗi người. Trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, bên cạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, phải chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở.

Sáu là, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, cần phải tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cấp chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở cả trung ương và địa phương. Lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị, đạo đức, mà còn phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sâu rộng, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Với chủ đề năm đã xác định, toàn ngành VHTTDL cần tập trung triển khai thực hiện tốt Kết luật 21 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, tạp sự thống nhất ý chí và hành động trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ngành theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao.

Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, phải kiên trì, bền bỉ, không nóng vội, chủ quan. Có những việc hôm nay chúng ta triển khai thực hiện, nhưng vài năm sau, thậm chí vài chục năm sau mới có kết quả cụ thể. “Tôi đề nghị các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, các địa phương, đơn vị phải chú trọng, quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. Ngành VHTTDL phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về văn hóa, thể thao, góp phần tạo dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý.

THÚY HÀ- PHẠM NGÂN; ảnh: TRẦN HUẤN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...