A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa đời thường hằng ngày với sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội hiện đại

VHO-Chúng ta đã phân tích nhiều về vai trò của văn hóa nói chung đối với sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa, chiều sâu của văn hóa là các giá trị góp phần tạo nên động lực nội sinh và hệ điều tiết sự phát triển.

Sự xuống cấp về văn hóa và lối sống trong một bộ phận xã hội đang  làm vẩn đục đời sống tinh thần của xã hội, phá hoại môi trường văn hóa lành mạnh

Điều đó là hoàn toàn đúng đắn, cần nhấn mạnh. Song, văn hóa hiện diện trong đời sống con người còn là vô vàn các sản phẩm, hiện tượng, hoạt động, loại hình, loại thể cụ thể, sinh động, đa dạng. Hằng ngày, con người sống trong môi trường đó, tiếp xúc với các dạng thức cụ thể của văn hóa, từ đó, tạo ra đời sống văn hóa tinh thần của con người. Mới lọt lòng mẹ con người đã nghe tiếng hát ru. Khi qua đời, âm nhạc tiễn đưa con người về nơi an nghỉ cuối cùng. Ở gia đình, hằng ngày mỗi người phải ứng xử với nhau theo chuẩn văn hoá… Ở đâu, lúc nào, con người cũng va đập với những vấn đề có liên quan đến văn hóa, từ ăn, ngồi, đi, đứng đến các phép ứng xử của mỗi người.

Có người nghĩ rằng, tác động của đời sống ấy chỉ giới hạn trong các quan hệ cụ thể giữa con người với nhau, trong cộng đồng cụ thể hoặc con người với thiên nhiên trong đời sống hằng ngày mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Một lời chào, một câu hỏi, một cái nhìn... tuy có thể làm ta không ưa, không bằng lòng... nhưng rồi chỉ thoáng qua. Song, xét cho cùng, nếu đời sống văn hóa hằng ngày, đời thường của con người vận động theo chiều hướng xấu, tiêu cực mà sự vận động đó lại có khuynh hướng trở nên phổ biến, thì sức tác động của nó sẽ rất lớn, tinh vi và phức tạp, hệ quả của nó là khó lường. Ví như chỉ vì một cái nhìn "đểu" có thể dẫn tới những trận ẩu đả làm chết người. Vào tháng 5.2020, ở Mỹ, một hành động thô bạo của cảnh sát đè lên cổ làm chết một người da màu đã dấy lên những cuộc biểu tình lớn. Những hành động vì thiếu văn hóa đó khi được tích tụ lại có thể sẽ phá vỡ tính bền vững của sự phát triển và nguy hại hơn, là nhân tố kéo lùi sự phát triển dẫn tới nguy cơ làm đổ vỡ cả thể chế và thiết chế xã hội. Đây là bài học lớn, kinh nghiệm thực tiễn có tính thời sự trong xã hội hiện đại. Để làm rõ điều này, chúng ta thử phân tích một số vấn đề bức xúc nảy sinh trong đời sống văn hóa cụ thể hằng ngày của xã hội Việt Nam đương đại.

1. Cả về nhận thức, quan niệm cũng như biểu hiện cụ trong thể đời văn hóa, các thang giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và các giá trị đạo đức mới được hình thành và định hình trong đấu tranh cách mạng, đang có sự đảo lộn lớn. Nếu như trước đây, trong ý thức, thái độ cũng như trong hành động của đại đa số nhân dân, con người Việt Nam bao giờ cũng đặt Tổ quốc, xã hội lên trên tất cả các quan hệ khác, thì ngày nay, thứ tự ưu tiên đó đã có sự thay đổi theo chiều hướng các quan hệ đối với người thân, người ruột thịt được đặt lên trước. Ngày nay, việc lựa chọn các giá trị hướng tới lý tưởng cuộc sống như niềm tin, sống có mục đích, sáng tạo.... chỉ đạt 45-55%, tức ở mức trung bình. Trong khi đó, 85,84% số người được hỏi coi đồng tiền là một giá trị xã hội, 87,48% đánh giá học và đi buôn có giá trị ngang nhau. Một số giá trị tốt đẹp, truyền thống như trọng tình nghĩa, ưu tiên về mặt đạo đức, lòng vị tha, sự trung thực... bị lấn lướt, xâm hại, sự lên ngôi, trong một bộ phận quần chúng, của những giá trị ngoại lai, xa lạ, sự lộn xộn, lúng túng, bị động, không bình yên trong đời sống tinh thần, trong lối sống và thị hiếu, đặc biệt những biến động phức tạp của các lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo... đang là dấu hiệu thể hiện sâu sắc sự đảo lộn các giá trị trong quan niệm và hành động của con người hiện nay. Đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại trong đời sống văn hóa hằng ngày của xã hội đương đại. Nếu không có những giải pháp phù hợp để điều chỉnh các khuynh hướng trên, chắc chắn sẽ tác động rất xấu đến sự ổn định và phát triển của xã hội Việt Nam đương đại.

2. Cả về nhận thức cũng như hành động, những chuẩn muc lối sống, đạo đức, pháp luật của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, đến nay, chưa định hướng rõ ràng, cũng chưa định hình trong thực tiễn đời sống. Đây là một thực trạng mới xuất hiện trong những năm gần đây, cần nhận thức tỉnh táo và khách quan, bởi chính vì đặc điểm đó mà dẫn tới sự đảo lộn, sự lúng túng, sự tìm kiếm, sự bị động trong lối sống, và cũng vì thế, do tác động trực tiếp, hằng ngày của xu thế mở cửa hội nhập với cộng đồng quốc tế, mà xu hướng chạy theo lối sống “hiện đại”, thích hưởng thụ tiêu xài, thực dụng, vị kỷ... có cơ hội tăng lên và ở một bộ phận, đặc biệt là những người giàu có bất chính và con em của các gia đình đó, phát triển trở thành "mốt", thành quan niệm, thành "sành điệu"... Xuất hiện và len lỏi vào đời sống văn hóa những quan niệm sống và giá trị văn hóa theo khuynh hướng của xã hội công nghiệp hiện đại như chủ nghĩa thực dụng kinh tế, lối sống tiêu thụ, hưởng thụ, khát vọng tiền tài, tư tưởng vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự đua đòi... "Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc" (Đảng cộng sản Việt Nam - Văn kiện Hội nghị lần thứ năm khóa VIII", trang 46).

3. Từ hai đặc điểm mới trên về những biến đổi, biến động phức tạp trong thời kỳ hiện nay, mà trong thực tiễn đã và đang xuất hiện nhiều biểu hiện đáng lo ngại, tiêu cực về lối sống, trở thành một trong những vấn đề bức xúc nhất của đời sống xã hội.

a. Xuất hiện lối sống của những kẻ lắm tiền do giàu có lên nhanh chóng, do tham ô, tham nhũng, làm ăn chụp giật, bất chính.... Có một số người lao theo con đường làm giàu bằng bất cứ giá nào, khi đã có nhiều tiền, họ và con cái họ sống theo kiểu xa hoa, tiêu xài phung phí, "xả láng", coi trời bằng vung, ăn chơi trác táng, sa đọa bằng đồng tiền bất chính, tiền công qũy, bòn rút của dân... Xuất hiện những quan niệm hoàn toàn xa lạ nhưng lại có sức tác động "ma quái" đối với xã hội, với một bộ phận quần chúng, trong đó đặc biệt là thanh niên, như: có tiền là có tất cả, tiền là trên hết, sống khác đời, chơi khác đời, sống gấp, buông thả để thưởng thức và trải nghiệm (ma tuý, mại dâm,...) thoả mãn nhu cầu, dục vọng của mình. Hiện tượng các "cậu ấm, cô chiêu" lăn xả vào các "trò chơi" trác táng như đua xe, ma tuý, tình dục tập thể, sinh hoạt cuồng loạn... là hậu quả cực kỳ tai hại và nguy hiểm của lối sống đó. Đây là một dấu hiệu xuất hiện trong thời gian qua, gây bức xúc, gây tâm trạng bất bình trong quần chúng; biểu hiện rõ nhất của lối sống sa đọa trong một bộ phận những kẻ lắm tiền do làm ăn bất chính và con cái, người thân của họ. Điều cần phải lưu ý là những kẻ đó trong xã hội ta hiện nay chiếm tỉ lệ thấp nhưng tác động của lối sống sa đọa đó lại rất mạnh, có sức "lan tỏa", lôi kéo đến cả những người không giàu có, làm cho một số kẻ tìm cách moi tiền của nhà nước, công quỹ, tìm mọi cách để có tiền thỏa mãn lối sống đó của mình.

Xu hướng chạy theo xã hội tiêu dùng lúc đầu nảy sinh ở bộ phận nhỏ cán bộ có chức, có quyền hoặc ở một số người thuộc cơ quan kinh tế, ở một bộ phận dân giàu có tại các đô thị lớn, mấy năm gần đây đã trở thành dòng đục trong môi trường và lối sống văn hóa của xã hội.

b. Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước ta, một số người ở các đô thị và cả nhiều làng quê đã khôi phục lễ hội tràn lan, biến những nơi thờ cúng thiêng liêng thành những nơi "mua thần bán thánh",... gây ra bao bi kịch cho nhiều số phận, nhiều gia đình. Một số thủ tục đang có chiều hướng trỗi dậy trong đám cưới, đám tang, tệ ăn uống linh đình, tiệc tùng diễn ra ở cả đô thị và nông thôn, cả trong cơ quan công quyền và cơ quan Đảng, đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang...

Nguy hiểm hơn là cùng với sự xuất hiện và phát triển của các hủ tục, lối sống lạc hậu, mê tín dị đoan là sự trỗi dậy của một số hoạt động dưới màu sắc, chiêu bài tín ngưỡng, tôn giáo nhưng nhằm mục đích chính trị đen tối, có sự trợ giúp của các thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", đánh phá từ bên trong chế độ của chúng ta.

c. Một biểu hiện ngày càng đậm nét trong đời sống hiện nay là không ít người có đời sống kinh tế tương đối đầy đủ nhưng đời sống văn hóa tinh thần hầu như không được nâng cao lên tương xứng, nhu cầu và lối sống văn hóa lại có phần tẻ nhạt, cùn mòn, nghèo nàn. Sự đánh mất văn hóa trong đời sống của một bộ phận dân cư giàu có đang là hiện tượng mới đáng lo ngại trong đời sống văn hóa hiện nay. Tế bào của xã hội là gia đình đang có xu hướng liên kết ngày càng lỏng lẻo, nhất là ở gia đình trẻ. Sự rạn nứt ở một số gia đình hầu như khó tránh khỏi do sự va chạm, xung đột thầm lặng và gay gắt của các lối sống khác nhau già với trẻ, truyền thống với hiện đại, cũ và mới, đúng và sai... Hạnh phúc, sự gắn kết gia đình bị đe dọa bởi tình trạng bạo lực, sự xung đột, bi kịch tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Không hiếm trường hợp con cái bỏ rơi, hắt hủi và thậm chí đối xử tàn nhẫn với bố mẹ như tìm cách chiếm đất, nhà rồi đuổi bố mẹ đi. Một số yếu tố có tác động thực sự làm tăng trưởng kinh tế của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng và toàn xã hội, nhưng có thể không gắn với nâng cao đời sống có văn hóa, lành mạnh, phong phú và không gắn với tiến bộ xã hội. Sự cạnh tranh kinh tế là một dạng dễ tạo ra tình trạng và hậu quả đó. Nhu cầu, ham muốn phát triển và bộc lộ năng lực, năng khiếu, sở thích cá nhân là chính đáng, là mới, phải tạo điều kiện được thể hiện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ đổi mới ngày càng mạnh và sâu, song ở đó cũng có nhiều mặt tiêu cực của nó, đôi khi trái với sống trọng tình nghĩa, quan tâm đến những cái chung của đất nước, dân tộc, ưu tiên về mặt đạo đức, nếu như không có những giải pháp tự điều chỉnh của từng người và điều chỉnh của toàn xã hội. Những tháng ngày cả nước chống đại dịch Covid - 19, bên cạnh nhiều biểu hiện cao đẹp, nhân văn, tình nghĩa là sự xuất hiện đáng sợ các hiện tượng lừa đảo, cướp giật, làm hàng giả, buôn người... làm nhức nhối tâm thế xã hội. Những cái phản văn hóa hằng ngày đó không thể coi thường vì nó báo động những vấn đề lớn của xã hội trong một thời kỳ nhiều khó khăn, thách thức.

Tình trạng "phân thân", không thống nhất giữa tư tưởng, đạo đức, lối sống và chuẩn giá trị xã hội ở một bộ phận quan trọng con người hiện nay, kể cả đảng viên, cán bộ, là thực tế khá rõ, như: nói một đường làm một nẻo, sống giả tạo trong tập thể, cộng đồng, chỉ lo cho cá nhân, có lợi ích riêng, tạo các quan hệ theo chuẩn vì lợi ích kinh tế, xa rời, đánh mất những giá trị tốt đẹp của tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp... Người ta chứng kiến hằng ngày kiểu sống bề ngoài vui vẻ, thân mật, nhưng bên trong luôn là sự đố kỵ, rèm pha, nói xấu sau lưng, thậm chí tìm cách "lật đổ" nhau.

Chúng ta cũng đang chứng kiến nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra, nhìn bề ngoài, tưởng như thầm lặng, nhưng thực chất rất gay gắt và quyết liệt về vấn đề đời sống văn hóa ở nông thôn nước ta những năm gần đây.

Đô thị hóa tại chỗ những vùng nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa là một tất yếu, từ đó sự phân công lại lao động xã hội ở nông thôn, sự phân hóa giàu nghèo, sự hình thành lối sống, nếp sống trong một nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh và sâu như là hệ quả không thể tránh khỏi. Để tự cải biến mình thành hiện đại văn minh, làng quê Việt Nam phải đương đầu với nhiều thử thách mới. Đô thị hóa vừa là nơi phát triển của văn minh, của cái mới vừa là nơi có nhiều điều kiện nảy sinh mặt trái, cái xấu, cái ác, cái phản văn hóa, lối sống truyền thống và các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc rất dễ bị xâm phạm. Trong bối cảnh và sự tác động đó, đời sống văn hóa ở nông thôn hiện nay đang diễn ra một quá trình biến đổi, biến động phức tạp. Đó là:

- Sự đan xen, giằng co giữa lối sống, nếp nghĩ, tâm lý của một xã hội nông nghiệp đã tồn tại vững chắc hàng nghìn năm với những dấu hiệu đang hình thành mạnh mẽ của nếp sống, tác phong, ứng xử công nghiệp do tác động của lao động công nghiệp đang nảy nở và phát triển.

- Sự đan xen, giằng co, đấu tranh lẫn nhau giữa văn hóa tốt đẹp, đặc biệt về tinh thần, đạo lý, lối sống và phép ứng xử trong truyền thống lâu đời của làng quê với những biểu hiện xấu xa, ngang ngược của một lối sống thực dụng, ích kỷ, tàn nhẫn, vì tiền, phi tình nghĩa đang nảy mầm mạnh và rất quái ác giữa làng quê từng bước đô thị hóa cùng với các loại dịch vụ sản xuất, dịch vụ văn hóa, sinh hoạt... phát triển. Các tệ nạn xã hội "hiện đại" đang từ thành phố tràn về nông thôn và đang nảy nở ngay ở một số vùng nông thôn đang đô thị hoá.

- Do mức sống ở nông thôn được cải thiện, nâng cao và do biến động của lối sống trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn, hiện nay đang xuất hiện đồng thời hai xu hướng dường như trái ngược nhau trong thái độ ứng xử đối với văn hóa truyền thống ở nông thôn. Một mặt, đó là xu hướng khôi phục lại các yếu tố của một xã hội truyền thống, ví dụ, do đời sống kinh tế khá giả hơn, hệ thống lễ nghi, hội hè, tiệc tùng… đang được khôi phục và có khuynh hướng phát triển tràn lan, các ngôi mộ tổ, các khu mộ gia đình được xây ngày càng to và tốn kém hơn. Cùng với việc khuyến khích kinh tế cá thể, mô hình kinh tế hộ ở nông thôn là sự phục hồi hệ thống tôn ti trật tự cũ vốn là một chỗ dựa của gia đình truyền thống ở nông thôn. Mặt khác, lại có xu hướng ngược lại, đó là sự thờ ơ, thiếu đồng cảm, mất hứng thú, xa lạ với những chuẩn giá trị văn hóa quá khứ, với lối sống, nếp sống cổ truyền, với một số loại hình, loại thể văn hóa - văn nghệ truyền thống.

Đến nay, chúng ta chưa có được những chủ trương sát hợp và đặc biệt chưa có những chính sách và giải pháp tốt, có khả năng điều chỉnh các diễn biến, biến động trên, trong khi đó, những nhân tố tiêu cực, độc hại lại có "ma lực", có sức tác động lớn, cho nên, thời gian qua, ở vùng nông thôn, các diễn biến trên trở thành một vấn đề bức xúc trong đời sống văn hoá. Sự lúng túng, ít nhiều bị động và buông lỏng chắc chắn đã và sẽ gây tác hại không chỉ trong thời gian trước mắt, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đúng hướng bền vững, lâu dài của đời sống văn hóa nông thôn Việt Nam những năm tới.

4. Sự xuống cấp về văn hóa đạo đức, trước hết là những căn bệnh nặng nề, những ung nhọt lớn như: tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, ức hiếp dân, buôn lậu, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, bè phái, mất đoàn kết do kèn cựa địa vị, tranh giành quyền lợi, chủ nghĩa cơ hội với nhiều màu sắc,... chưa có phương thuốc đặc hiệu để cứu chữa.

Các căn bệnh này trở thành khá phổ biến, từ hiện tượng có tính chất bất bình thường trong hệ thống chính trị của chúng ta, đến nay, dư luận xã hội công khai cho rằng, nó đã lan tràn vào hầu hết các lĩnh vực từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương.

Cuộc đấu tranh của chúng ta chống sự suy thoái đó tuy đã được triển khai và thu được một số kết quả, song phải nhìn thẳng vào sự thật - dù là cay đắng và đau xót, rằng, hiệu quả của nó thấp, chưa có dấu hiệu đầy lùi được tội ác, sự đen tối, sự sa đọa. Ở nhiều nơi đấu tranh theo kiểu "bắn chỉ thiên", "phiếm chỉ", nên vẫn còn những kẻ thực chất là tham nhũng, sa đọa, thoái hóa, xấu xa nhưng vẫn khoác những mặt nạ đẹp đẽ, trong sạch, ung dung hưởng lợi và nắm quyền trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan Đảng và công quyền.

Ở đây, có một vấn đề rất lớn về vai trò của Đảng cầm quyền, những thách thức, những đòi hỏi và cả "cơ hội" làm cho cán bộ biến chất, suy thoái, lợi dụng vị thế và uy quyền của Đảng để trục lợi, để tham nhũng, để sách nhiễu, ức hiếp dân... Không xây dựng được cơ chế giám sát quyền lực và hoạt động của một số người có chức, có quyền trong đảng cầm quyền và của bản thân đảng sẽ khó có khả năng giải quyết những căn bệnh đang phát triển trên.

Như vậy, rõ ràng là, sự xuống cấp về văn hóa trong một bộ phận xã hội đang lan tràn khá phổ biến, làm vẩn đục đời sống tinh thần của xã hội, phá hoại môi trường văn hóa lành mạnh, đang trở thành một tệ nạn lớn, gây nên sự bất bình nặng nề trong quần chúng, làm tổn thương niềm tin vào chế độ, vào cuộc sống đương đại.

Có thể nói tóm tắt những biểu hiện nổi bật của sự xuống cấp này như sau:

- Ma túy, mại dâm, cờ bạc, ăn chơi trác táng, sa đọa...

- Sự suy thoái về đạo lý trong quan hệ cộng đồng, như chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè...

- Sự coi thường những giá trị văn hóa dân tộc,...

- Sự phát triển tràn lan, xâm nhập mạnh, song chưa có được những giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi tác hại của các loại sản phẩm văn hóa độc hại, phản động, đồi trụy, tầm thường, rẻ tiền,... cả của nước ngoài và trong nước sản xuất, xuất bản, lưu hành, trình diễn. Các sản phẩm trên đã ngấm ngầm và tàn nhẫn phá hoại tâm hồn con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, thúc đẩy tội ác, sự phạm tội, gia tăng các tệ nạn xã hội và làm mất đi đạo lý làm người, vốn là một truyền thống văn hóa và đạo đức bền vững của dân tộc ta.

5. Các đặc điểm và sự biến động phức tạp trên đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề lớn, vừa cơ bản, vừa cấp bách, cần có sự đầu tư phân tích, đánh giá khách quan, tìm ra nguyên nhân của nó, từ đó xác định được những chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp thật cơ bản, có tính lâu dài và có tính thực tiễn, nếu không, chúng ta sẽ còn tiếp tục rơi vào tình trạng bị động, lúng túng, chạy theo để đối phó. Hậu quả của nó sẽ rất lớn, không chỉ dừng lại ở việc đối phó với một số biểu hiện tiêu cực hằng ngày, mà sẽ là cơn lũ của dòng nước đục bẩn đã bị nhiễm độc ập tràn vào toàn bộ đời sống. Lúc đó, vấn đề văn hóa hằng ngày, lối sống, nếp sống đời thường tự nó trở thành vấn đề chính trị trực tiếp đối với xã hội.

Chúng ta chưa lường hết, đánh giá hết tác động phức tạp của điều kiện và đặc điểm mới (tình hình chính trị, kinh tế thế giới, kinh tế thị trường với mặt trái của nó, hội nhập và giao lưu, sự phản kích của các thế lực thù địch trong và ngoài nước,...) đến sự biến đổi phức tạp, mau lẹ của lối sống hằng ngày, văn hóa đời thường của con người Việt Nam đương đại. Từ đó, thời gian qua, chúng ta chưa coi trọng công tác giáo dục lối sống, nếp sống, đạo đức hoặc chỉ giáo dục, tuyên truyền chung chung, hời hợt, nhàm chán mà thiếu các giải pháp, biện pháp trên cả hai mặt xây và chống. Vừa lúng túng, vừa buông lỏng, vừa có dấu hiệu chủ quan, thỏa mãn với những định hướng, hướng dẫn chung chung, công thức, không có sức thuyết phục, thiếu hấp dẫn đối với công chúng. Công tác tư tưởng theo kiểu "đi mây, về gió", hô hào hời hợt đối với quần chúng, lại né tránh, không dám đấu tranh trực diện với những xấu xa, tiêu cực trong lối sống của cán bộ, đảng viên trong nội bộ Đảng, chính quyền,... càng làm giảm hiệu quả giáo dục trong các hoạt động đó.

Trong lúc tập trung cho nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, nỗ lực nâng cao mức sống vật chất của quần chúng nhân dân, chúng ta đã không chuẩn bị kịp về mặt văn hóa, từ đó không tạo được sự phát triển đồng bộ giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Có nơi chỉ coi việc nâng cao mức sống là mục tiêu chủ yếu nhất, như là động lực duy nhất cho mọi hoạt động, buông lỏng việc quản lý và xây dựng lối sống, lẩn tránh, không đề cập đến tác hại của những tiêu cực trong lối sống của cán bộ, đảng viên. Những ức chế, bị kiềm chế nặng nề các nhu cầu vật chất trong một thời gian dài do chiến tranh, do quan niệm và cơ chế thời tập trung quan liêu, bao cấp được tháo gỡ trong thời kỳ kinh tế thị trường, con người không biết tự điều chỉnh đã lao sang cực mới: tìm mọi cách thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Tự nhiên, trong trạng thái cực đoan đó, nhu cầu tinh thần bị coi thường, bị hạ thấp, bị lấn lướt. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước, các tổ chức quần chúng, đoàn thể lại bị động, né tránh, buông lỏng,... Đó là cơ hội cho những lối sống thực dụng, vì tiền, phi tình nghĩa, ăn chơi sa đọa, trác táng,... phát triển và hoành hành trong một bộ phận xã hội.

Chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, trước hết là phải tạo ra nhiều, không giới hạn các sản phẩm văn hóa thuộc tất cả các loại hình, loại thể văn hóa, văn học, nghệ thuật cụ thể để phục vụ cho đời sống hằng ngày của con người, đồng thời là làm cho tất cả các hoạt động, sinh hoạt, quan hệ hằng ngày của con người mang ý nghĩa và giá trị văn hóa. Mặt khác, từ tất cả cái đa dạng, muôn vẻ, cụ thể, hằng ngày, đời thường đến từng chi tiết đó, cần được quy tụ, hướng tới, vươn tới cái đích cao nhất là tạo ra các giá trị văn hóa bền vững ở tận chiều sâu nhất của đời sống và của con người. Đó là hai mặt không thể tách rời của quá trình và kết quả phát triển văn hóa. Và đó cũng là thể hiện tài năng, năng lực lãnh đạo và quản lý văn hóa trong xã hội.

Tất cả những cái cụ thể, hằng ngày đã phân tích ở trên đều gắn chặt với văn hóa, từ đó, người ta thường dùng từ "văn hóa" trước các lĩnh vực của đời sống để nhấn mạnh yêu cầu cao và sâu, có giá trị bền vững, như văn hóa du lịch, văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, văn hóa ẩm thực,... Đặc điểm trên cho phép chúng ta rút ra kết luận rất quan trọng là: để xây dựng một xã hội tốt đẹp, phát triển bền vững cần phải kiên trì thực hiện văn hóa trong toàn bộ các lĩnh vực, các biểu hiện cụ thể hằng ngày của đời sống con người. Coi thường nhiệm vụ đó sẽ dẫn đến đánh mất sức mạnh của văn hóa. Và đó là yêu cầu cao trong việc xác định vai trò của văn hóa là động lực nội sinh và hệ điều tiết sự phát triển.

GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...