A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

75 ảnh ấn tượng tại chuyên đề “Hà Nội- Tiếp nối truyền thống Uống nước nhớ nguồn”

VHO- Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 -27.7.2022), sáng 26.7, Sở LĐ,TB&XH Hà Nội phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị thực hiện trưng bày chuyên đề ảnh Hà Nội – Tiếp nối truyền thống Uống nước nhớ nguồn.

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội xem trưng bày 

Trưng bày nhằm tri ân, tôn vinh công lao đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hướng đến mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống người có công, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố; phát huy các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Những hình ảnh xúc động. Trong ảnh: Mẹ VNAH Bùi Thị Nhuần, 102 tuổi, có chồng và 1 con trai là liệt sĩ. Mẹ ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Theo Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, 75 năm qua, cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn xác định công tác chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ cao quý, là tình cảm và ân nghĩa sâu sắc. Nhờ đó, đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã vươn lên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia công tác xã hội, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương.

Những nội dung trên đều được phản án chân thực qua 75 bức ảnh thời sự, ảnh tư liệu được trưng bày. Chuyên đề ảnh Hà Nội – Tiếp nối truyền thống Uống nước nhớ nguồn gồm 3 nội dung: Đồng lòng tri ân, Tận tình chăm sóc, Lan toả niềm kính yêu. 75 bức ảnh được giới thiệu đến người xem là 75 câu chuyện, như những thước phim bày tỏ tinh thần đồng lòng tri ân, chăm sóc người có công của lãnh đạo và nhân dân Hà Nội.

Hình ảnh được trưng bày

Phần 1 với chủ đề Đồng lòng tri ân là những hình ảnh hoạt động phản ánh sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tiêu biểu là hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gia đình có công với cách mạng ở TP Hà Nội năm 1955; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo TP. Hà Nội thăm hỏi, tặng quà người có công đang điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội cơ sở 2; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm ông Nguyễn Văn Minh (95 tuổi), cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh, tháng 6.2022; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà cho bà Nguyễn Thị Tú, mẹ liệt sĩ Nguyễn Thái Lai, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tháng 7.2020.

Cùng với đó, trong suốt 75 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở triển khai đầy đủ và kịp thời các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, những việc làm thiết thực được thể hiện rõ nét qua những hình ảnh như: Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà người có công đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC số 2 Hà Nội, ngày 20.7.2022 (tác giả Thanh Hải); Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm gia đình bà Trần Thị Mịn, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hữu Bằng (Quận Hoàng Mai), tháng 7.2021 (tác giả Phạm Hùng); Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn trao quà cho gia đình chính sách tiêu biểu của quận Hà Đông (tác giả Mai Hoa); Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tác giả Mộng Long); Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Hà Nội tại Quận Bắc Từ Liêm (tác giả Mạnh Quân). Cùng với đó là những hình ảnh của các sở, ngành tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nội dung thứ 2: Tận tình chăm sóc, những hình ảnh được chuyên đề giới thiệu cho thấy, mặc dù là địa phương có số người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng lớn nhất cả nước, song trong nhiều năm, thành phố luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, Thành phố Hà Nội ban hành nhiều chính sách phù hợp tình hình thực tiễn ở Thủ đô, nổi bật là chính sách chăm sóc người có công, điều dưỡng người có công. Điều đó được thể hiện qua các hình ảnh: Ngôi nhà bình yên của những người có công - Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội (tác giả Ngọc Tú); Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội chăm sóc tận tình từng bữa ăn cho các Mẹ (tác giả Văn Chiến); Thăm khám bệnh cho các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 tại Hà Đông (tác giả Hữu Nền).

Ở nội dung thứ 3: Lan toả niềm tin yêu là những hình ảnh về chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng và các thương binh tiêu biểu; lực lượng công an, bộ đội; các quận huyện; Đoàn thanh nhiên, Hội Phụ nữ và các tổ chức đoàn thể tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Trưng bày Hà Nội – Tiếp nối truyền thống Uống nước nhớ nguồn diễn ra từ sáng ngày 26.7.2022 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Sau đó sẽ tiếp tục được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội từ ngày 27.7.2022 đến hết tháng 10.2022 nhằm lan tỏa tinh thần giáo dục truyền thống đến công chúng về chủ đề tri ân những người có công với cách mạng.

NGÂN ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt